Tuy nhiên, hầu hết các bé mang những nét đặc trưng của người Caucasia trong khi chỉ 1 bé giống người châu Á. Điều này khiến cựu Bộ trưởng Phát triển xã hội và An ninh Thái Lan Paveen Hongsakul, người phát động chiến dịch nói trên, lo ngại có khả năng các bé được sinh ra nhằm lấy tế bào gốc và đây có thể là vụ việc tồi tệ nhất liên quan tới bê bối đẻ thuê.
Theo báo Bangkok Post, ông Ratthaprathan Tulathorn - luật sư của cha những đứa trẻ - đã liên lạc với cảnh sát và khẳng định các hợp đồng đẻ thuê hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, ông này không có thông tin chi tiết liên quan tới mẹ của những đứa trẻ. Cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan, tướng Aek Angsananont, hôm 7-8 tuyên bố xét nghiệm ADN để làm rõ vụ việc. Ông nói: “Nếu người đàn ông Nhật Bản đó thực sự là cha của 9 đứa trẻ đó thì câu hỏi đặt ra là tại sao ông ta muốn có nhiều con tới vậy?”. Cảnh sát cũng đang thẩm vấn 7 bảo mẫu được thuê để chăm sóc số trẻ trên.
Giáo sư Somboon Kunathikom, cựu hiệu trưởng Trường Sản phụ khoa Hoàng gia Thái Lan, tỏ ra nghi ngờ bởi thông thường những em bé ra đời qua dịch vụ đẻ thuê thường được cha mẹ nhận nuôi ngay khi chào đời. Cựu Bộ trưởng Paveen cũng kêu gọi giới chức Thái Lan điều tra một vụ việc khác liên quan tới người phụ nữ được trả tiền để mang thai hộ nhưng sảy thai sau 7 tháng mang bầu. Theo bà, cần làm rõ liệu các bào thai có bị dùng để sản xuất mỹ phẩm hay không.
Chiến dịch truy quét của cảnh sát Thái Lan diễn ra song song với vụ lùm xùm liên quan tới bé Gammy. Cô gái đẻ thuê người Thái Lan có tên Pattaramon Chanbua buộc tội một cặp vợ chồng Úc bỏ rơi Gammy vì cậu bé mắc hội chứng Down lẫn bệnh tim bẩm sinh và chỉ nhận bé gái song sinh khỏe mạnh của Gammy. Ban đầu dư luận thế giới đồng loạt chỉ trích cặp vợ chồng nhưng ánh mắt nghi ngờ dần đổ về phía Pattaramon khi nổi lên thông tin chính cô từ chối trả Gammy cho gia đình và đang tham gia đường dây môi giới mang thai hộ. Hiện Pattaramon muốn cả bé gái sinh đôi với Gammy trở về Thái Lan sau khi biết tin cha Gammy từng ngồi tù 3 năm vì tội ấu dâm.
Bình luận (0)