Người phát ngôn chính phủ Supachai Jaisamut cho biết: “Nội các đồng ý dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp sau khi nhận thấy phong trào chống đối đã trở nên ôn hòa hơn và bầu không khí chính trị đã được cải thiện”. Quyết định nói trên sẽ có hiệu lực từ ngày 22-12.
Tình trạng khẩn cấp bắt đầu được ban bố ở Bangkok và các tỉnh xung quanh vào ngày 7-4 để đối phó với các cuộc biểu tình chống chính phủ của phe “áo đỏ”.
Tình trạng khẩn cấp được ban bố tại Bangkok và các tỉnh xung quanh từ ngày 7-4
để đối phó với các cuộc biểu tình chống chính phủ của phe “áo đỏ”. Ảnh: Getty Images
Đến tháng 5, tình trạng khẩn cấp được mở rộng sang hơn ¼ lãnh thổ đất nước sau khi xảy ra cuộc trấn áp đẫm máu những người biểu tình, làm 91 người thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương.
Các nhóm hoạt động và người biểu tình chống chính phủ cáo buộc sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp đã vi phạm nhân quyền. Họ cũng chỉ trích chính phủ đã lạm dụng sắc lệnh này để kiềm chế phe đối lập và sự tự do ngôn luận.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp trao cho lực lượng an ninh nhiều quyền lực hơn, cho phép họ bắt giữ, lục soát và giám sát mà không cần có lệnh của tòa, hoặc giam giữ nghi can trong 30 ngày mà không cần đưa ra cáo buộc. Ngoài ra, các cuộc tụ họp từ 5 người trở lên cũng bị cấm.
\
Phe “áo đỏ” biểu tình chống chính phủ ở Bangkok, Thái Lan hôm 19-12. Ảnh: Getty Images
Việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp nói trên diễn ra 5 ngày sau khi quyền lãnh đạo phe “áo đỏ” hiện nay, ông Thida Thavornseth, và Thủ tướng Abhisit Vejjajiva có cuộc gặp đầu tiên để bàn về việc bảo lãnh tại ngoại cho các thủ lĩnh phe “áo đỏ” và hơn 100 người bị bắt giữ kể từ tháng 5.
Bình luận (0)