Chính phủ quân sự Thái Lan - tự xưng là Hội đồng Giữ gìn trật tự và hòa bình quốc gia (NCPO) - ngày 25-5 tuyên bố hơn 100 nhân vật đang bị quân đội cầm giữ sau khi ra trình diện sẽ không bị buộc tội và được trả tự do sau 1 tuần. Tuy nhiên, những ai có lệnh bắt riêng sẽ được giao cho bên công tố.
Đại tá Werachon Sukondhapatipak, người phát ngôn của chính phủ quân sự, nhấn mạnh những người bị bắt giữ được tự do sống cuộc sống bình thường nhưng họ sẽ bị theo dõi sát trong nỗ lực ngăn họ can dự vào cuộc xung đột. Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ lưu ý xem họ có đưa ra lời phát biểu khiêu khích nào không”. Đại tá Werachon quả quyết NCPO đang tìm kiếm sự hiểu biết chung giữa các đảng phái. Cho rằng Thái Lan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng do sự chia rẽ xã hội gây ra, ông thừa nhận không thể giải quyết tất cả mọi chuyện trong vòng 1 tuần nhưng khoảng thời gian này sẽ là khởi đầu sự hiểu nhau. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, nhiều nhà hoạt động và chính khách đang lẩn trốn, một số còn tìm cách trốn ra nước ngoài.
Trong cuộc thanh lọc các cá nhân liên can đến gia đình Shinawatra cũng như những người chỉ trích cuộc đảo chính, tướng Prayuth Chan-ocha, tư lệnh lục quân, đã nắm lấy tất cả mọi quyền lực lập pháp và triệu tập khoảng 200 cá nhân đến các căn cứ quân sự. Trong khi đó, theo báo The Sunday Times, quân đội Thái Lan đang trấn áp phong trào “Áo đỏ” vốn từng dọa sẽ kháng cự nếu quân đội tổ chức đảo chính. Tuy nhiên, NCPO cho biết con trai cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra là Panthongtae đã được trả tự do.
Các nhà phân tích dự báo chính sách khẩn cấp của giới quân sự sẽ kích động sự phản kháng mạnh hơn từ phe “Áo đỏ” trong khi các thủ lĩnh của họ đã bị tóm gọn từ hôm 22-5. Hơn 1.000 người biểu tình tuần hành khắp Bangkok hôm 25-5 phản đối quân đội chiếm quyền lực, bất chấp lệnh cấm tụ tập. Thêm vào đó, một số người phản đối tụ tập tại Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok. Vài chục người cầm biểu ngữ yêu cầu tổ chức bầu cử.
Trong quá trình thâu tóm quyền lực, chiều 25-5, NCPO đã triệu tập lãnh đạo 18 tờ báo lớn nhất Thái Lan để truyền đạt chỉ thị về việc đưa tin. Giới quân sự cũng triệu tập cuộc họp với lãnh đạo các tổ chức thương mại nhà nước cũng như tư nhân, các quan chức cao cấp bộ thương mại, tài chính và năng lượng, lãnh đạo doanh nghiệp, các công ty mua bán và vận tải dầu mỏ.
Một giới chức quân sự cao cấp tuyên bố: “Kể từ nay, quân đội sẽ giải quyết các vấn đề của đất nước. Quân đội nắm quyền trong một thời gian ngắn nhất có thể. Họ muốn bảo đảm rằng đất nước thực sự trở lại bình thường, không có bất cứ sự kháng cự nào”.Trước mắt, tướng Prayuth cho biết những ưu tiên kinh tế hàng đầu là trả nợ cho nông dân tham gia chương trình trợ giá lúa gạo và lên kế hoạch ngân sách năm 2015.
Trong khi đó, theo đài ABC (Úc) hôm 25-5, cựu thủ tướng Thaksin đang có kế hoạch thành lập chính phủ lưu vong trong bước đi thách thức tính hợp pháp của chính quyền quân sự được lập ra sau cuộc đảo chính trong nước. Thông tin về kế hoạch do ông Robert Amsterdam, cố vấn pháp lý của ông Thaksin, tiết lộ. Theo ông Amsterdam, một số nước đã đề nghị cho chính phủ lưu vong của ông Thaksin đặt trụ sở và ông Thaksin đang thương thảo về vấn đề này. Hiện danh tính những nước này chưa được công bố.
Ngành du lịch kêu cứu
Ngành du lịch Thái Lan kêu gọi thành lập gấp chính phủ mới để thu hút du khách trở lại. Ông Pornthip Hirunkate, Phó Chủ tịch Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT), thừa nhận: “Chúng tôi cần một chính phủ mới càng sớm càng tốt. Nếu không, ngành du lịch sẽ phải hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn nữa”. Theo ông, hơn 50 quốc gia và lãnh thổ đã khuyên công dân mình không đến Thái Lan lúc này.
Riêng Mỹ hôm 24-5 tiếp tục tỏ thái độ lo ngại về cuộc đảo chính khi tuyên bố hủy chương trình tập trận với Thái Lan cũng như chuyến thăm của các vị tư lệnh 2 bên. Trước đó, Washington đã đình chỉ khoản viện trợ quân sự 3,5 triệu USD cho Thái.
Bình luận (0)