Một ngày sau vụ nổ bom làm ít nhất 20 người thiệt mạng, trong đó có nhiều người nước ngoài và hơn 120 người bị thương ở trung tâm Bangkok, cảnh sát Thái Lan hôm 18-8 ráo riết truy lùng một nam thanh niên “không chỉ bị xem là nghi phạm mà chính là kẻ đánh bom”, theo khẳng định của Thiếu tướng Prawut Thavornsiri với hãng tin AP.
Không loại trừ bất kỳ ai
Theo camera giám sát, nghi phạm này giống người Ả Rập, mặc áo thun màu vàng và mang ba lô. Y tới hiện trường bằng xe tuk-tuk, ngồi trên một băng ghế ở đền Erawan, để lại ba lô và rời đi bằng xe ôm trước khi vụ nổ xảy ra. Lệnh giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu và sân bay đối với người này đã được phát đi trên toàn quốc.
“Chúng tôi không loại trừ bất kỳ ai. Danh sách nghi phạm khá ngắn, chỉ vài người. Tướng Somyot Poompanmoung, Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, tin rằng bọn họ vẫn còn ở Bangkok” - giáo sư Panitan Wattanayagorn, cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan, nói với báo The Straits Times.
Cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan Somyot Pumpunmuang ngày 19-8 khẳng định thiết bị nổ sử dụng trong vụ ném bom tại cầu tàu Sathorn ngày 18-8 và tại đền Erawan tối 17-8 do cùng một nhóm chế tạo. Những kẻ này có thể gồm người nước ngoài.
Các chuyên gia chất nổ phát hiện loại thuốc nổ được dùng là TNT, được nhồi vào trong một ống tuýp kim loại và được kích nổ bằng bộ hẹn giờ.
Người dân Bangkok hôm 18-8 lại thót tim vì một vụ nổ khác nhưng may mắn không có thương vong. Cảnh sát cho biết một người đàn ông chưa rõ danh tính ném thiết bị nổ từ cây cầu bắc qua sông Chao Phraya, gần khu vực bến tàu Sathorn. Thiết bị này suýt trúng một con thuyền trước khi rơi xuống nước và phát nổ, khiến người dân hoảng loạn chạy tìm nơi ẩn náu.
Cả 2 vụ đều xảy ra tại nơi đông du khách nước ngoài và người dân địa phương. Báo The Telegraph (Anh) thậm chí cảnh báo đây có thể là sự khởi đầu của một chiến dịch tấn công nhằm vào những địa điểm du lịch và thương mại khắp Thái Lan.
Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp chiều cùng ngày, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cam kết chính phủ sẽ “tiến hành mọi nỗ lực điều tra để truy tìm và đưa hung thủ ra trước công lý”. Nhà lãnh đạo này không cung cấp thêm chi tiết nhưng trấn an người nước ngoài đang sống ở Thái Lan rằng chính phủ sẽ hết sức bảo vệ sự an toàn, tài sản và lợi ích của họ.
Nỗi lo về bạo lực chính trị
Trước đó, ông Prayuth Chan-ocha chỉ ra 2 động cơ có thể có đằng sau vụ tấn công “tồi tệ nhất” nhằm vào Thái Lan là xung đột chính trị trong nước và xung đột quốc tế . Ông cũng nói thêm nghi phạm có thể đến từ một nhóm chống chính phủ ở Đông Bắc Thái Lan, thành trì của phong trào Áo đỏ chống đảo chính. Chính lời lẽ này dẫn đến phỏng đoán cuộc điều tra sẽ xoáy vào các nhóm trung thành với gia tộc Shinawatra, thay vì phiến quân Hồi giáo tại miền Nam Thái Lan.
Như để củng cố nhận định trên, quân đội Thái Lan nhanh chóng loại trừ khả năng liên quan của các nhóm ly khai ở miền Nam. Theo Thứ trưởng Quốc phòng Thái Lan Udomdej Sitabutr, vụ nổ không giống những thủ đoạn mà các phần tử ly khai sử dụng.
Tuy nhiên, cố vấn Panitan cho rằng phát biểu của ông Prayuth đã bị hiểu sai. “Các cơ quan an ninh sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào nếu không có đủ bằng chứng” - ông này nói. Mặt khác, một số nhà phân tích nhận định phe Áo đỏ có nguy cơ mất đi sự ủng hộ nếu thực hiện một vụ tấn công như thế.
Một phỏng đoán nữa là vụ tấn công có liên hệ với người Duy Ngô Nhĩ bởi đền Erawan thu hút nhiều du khách Trung Quốc trong lúc Thái Lan vừa trục xuất 109 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc hồi tháng rồi. Nói tóm lại, ông Matthew Wheeler, chuyên gia về an ninh Đông Nam Á của Tổ chức International Crisis Group (Bỉ), cho rằng vụ nổ bom không hề giống với những vụ tấn công liên quan đến bất ổn chính trị hoặc Hồi giáo cực đoan mà Bangkok từng chứng kiến.
Trong lúc động cơ và thủ phạm vẫn là dấu hỏi lớn thì có một điều chắc chắn là vụ tấn công đang làm sống lại nỗi lo về tình trạng bạo lực chính trị - từng khiến Thái Lan lâm vào cảnh bất ổn thời gian dài. Chưa hết, theo Reuters, vụ nổ có thể giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch, một trong những điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế đang khó khăn. Trước mắt, chính quyền một số nước và vùng lãnh thổ ở châu Á đã ra khuyến cáo đối với việc đến Thái Lan. Ngoài ra, đồng baht hôm 18-8 giảm giá xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua, còn giá cổ phiếu cũng lao dốc.
Một người Việt bị thương
Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cho biết đến chiều 18-8, chỉ phát hiện một công dân Việt Nam bị thương trong vụ nổ tại Bangkok tối 17-8. Đó là anh Mai Văn Trường (SN 1990, quê Thanh Hóa). Anh Trường bị tụ máu tại mắt và dập xương chân do sức ép của bom nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa chính quyền Bangkok (còn gọi là Bệnh viện Klang) và vẫn tỉnh táo.
Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao cũng khuyến nghị công dân Việt Nam tại Bangkok và các công dân đến Bangkok trong những ngày tới không nên đến khu vực xảy ra đánh bom - trước cửa đền Erawan, gần ngã tư Ratchaprasong - và thường xuyên theo dõi cũng như tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại.
Những ai gặp trường hợp khẩn cấp hoặc có thông tin về người Việt Nam có thể bị tác động bởi vụ nổ thì liên hệ với đại sứ quán theo đường dây nóng 66-92-484-0535 hoặc 66-89-896-6653 hoặc liên hệ với Cục Lãnh sự qua Tổng đài Bảo hộ công dân: +84981848484.
D.Ngọc
Em đang ở đâu…
Ông Patavee Teeravanitchanunt, 38 tuổi, bươn bả suốt đêm khắp tất cả 6 bệnh viện tiếp nhận các nạn nhân vụ nổ bom để tìm người yêu. Chỉ buông tay chưa đầy 5 phút, người đàn ông Thái Lan này đã lạc mất người phụ nữ của đời mình. “Tôi không biết cô ấy ở đâu. Tôi chỉ có thể ngồi đây chờ đợi… Lúc vụ nổ xảy ra, cô ấy cầu nguyện trong đền (Erawan), còn tôi uống cà phê gần đó…” - ông Patavee chia sẻ khi đang nóng lòng chờ tin tại Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát ở Bangkok hôm 18-8.
Tại hiện trường cũng xuất hiện nhiều phụ nữ vừa đi vừa khóc tìm người thân. Những người khác thì mở điện thoại báo tin mình vẫn an toàn mà cũng không kìm được nước mắt… Theo nhiều nhân chứng, nỗi sợ hãi khi tiếng nổ phát ra chỉ là sự hoảng loạn chớp nhoáng và sự im lặng chết chóc sau đó ám ảnh hơn nhiều, khi mọi người rời khỏi nơi trú ẩn và đập vào mắt họ là những mẩu thi thể, xác người la liệt! Ngay sau vụ nổ, nhiều người tình nguyện tìm tới các bệnh viện để thông dịch cho nạn nhân nước ngoài.
Nữ sinh viên luật người Hồng Kông Vivian Chan Wing-yan nằm trong số những nạn nhân nước ngoài tử vong đầu tiên được xác nhận. Các bạn học của Chan không khỏi sốc khi nhận hung tin. Họ chia sẻ về cô bạn chưa kịp đón sinh nhật tuổi 20: “Đó là một cô gái tốt bụng, vui vẻ, chăm chỉ, hát hay...”. Cùng chung số phận là 4 người Malaysia trong một gia đình dự định quay về nước trong ngày 18-8.
May mắn hơn, gia đình của ngôi sao nhạc rock Úc Jimmy Barnes đã thoát chết trong gang tấc khi ban đầu chọn con đường đi qua ngôi đền Erawan để tới nơi ăn tối song đổi ý vào phút chót. Trong khi đó, anh Holger Siegle, một khách du lịch đến từ Đức, nói với hãng tin AP: “Vợ chồng tôi đang trải qua tuần trăng mật nhưng những ngày còn lại thực sự bất an”.
Thu Hằng
Bình luận (0)