Chợ Tabriz, khu chợ mái vòm lớn nhất xứ Ba Tư xưa
Thực tế thì chợ Ba Tư điển hình thường là những khu chợ xây kiên cố, đồ sộ, kiến trúc mái vòm đặc trưng. Tòa nhà có khi trải dài hơn 10 km, nhiều ngõ ngách cho các phường buôn khác nhau: phường bán thảm, phường vàng bạc, phường mỹ nghệ, phường hương liệu dược liệu, phường đồ da, giày dép... Lối đi trong chợ đủ rộng cho cả đoàn xe, đoàn kiệu rước cô công chúa Ba Tư vào chợ, như trong bản nhạc của Ketelbey. Trên khắp đất nước Iran hiện nay có hàng chục cái chợ mái vòm (bazaar). Hầu như thành phố nào cũng có một cái bazaar như vậy.
Chúng tôi đang đứng giữa chợ vòm lớn nhất xứ Ba Tư, cái bazaar ở thành phố Tabriz.
Một khu nhà nghỉ và chứa hàng Caravanserai trong chợ Ba Tư
Ngày nay trong khu bazaar có nhiều phường buôn và cánh thương nhân trong chợ là một thế lực tài phiệt có ảnh hưởng bậc nhất vào đời sống kinh tế thương mại, xã hội, thậm chí vào chính trị. Những cuộc bầu cử hội đồng thành phố, bầu cử quốc hội, người ta phải quan sát sự ủng hộ của thế lực này, thường được gọi là giới bazaari (giới làm ăn ở chợ).
Đã bước chân vào chợ thì không thể không đến phường bán thảm. Ta đang ở xứ Ba Tư mà.
Chồn chân mỏi gối với thảm Ba Tư
Một phiên chợ mua bán thảm
Nhưng thảm không phải là thứ lưu giữ bằng cách cất đi. Đó là vật dụng hằng ngày trải trên sàn nhà, treo trang trí trên tường, là vật êm mịn ta đặt chân lên hoặc nằm nghỉ trên đấy.
Thảm Ba Tư có nhiều trường phái trên khắp đất nước Iran. Thảm ở Tabriz là trường phái nổi bật từ thời Con đường tơ lụa. Tabriz là thư phủ tỉnh Azerbaijan, vùng Đông Bắc của đất nước, tiếp giáp với nước Cộng hòa Azerbaijan của Liên Xô cũ. Người dân tộc Azari ở đây đã hòa nhập vào cộng đồng chung của Iran từ lâu, nhưng có cùng chủng tộc và ngôn ngữ với người bên Azerbaijan. Đại giáo chủ Khamenei, người thế lực nhất nước Cộng hòa Hồi giáo Iran hiện nay, là người Azari.
Không thể đi hết 22 khu chợ trong cái chợ vòm này. Chỉ riêng khu chợ Mozzafarieh bán thảm thôi cũng khiến ta chồn chân mỏi gối một ngày trời. Hàng ngàn, hàng vạn bức tranh thảm tưng bừng rực rỡ về màu sắc, đa dạng về kích thước, phóng túng mà tinh tế về đường nét, phong phú về đề tài. Một triển lãm tranh thảm hào phóng bậc nhất mà ta hiếm thấy trên thế giới này. Thoạt nhìn, người ta khó tin ngay được rằng đó là thảm. Tưởng đâu là tranh vẽ. Phải đến gần, có thể hơi thô thiển một tí mà sờ tay vào hiện vật cảm thấy lớp nhung tuyết rất dày, rất mịn trên bề mặt bức tranh. Đúng là thảm thật rồi. Thảm đấy, mà là tranh. Tranh thảm. Cảnh đàn ca hát xướng trong cung đình xưa. Phong cảnh núi rừng hùng vĩ. Cảnh sinh hoạt bình dân trong làng xóm Ba Tư, cảnh đi săn, cảnh cưỡi ngựa đánh golf - môn polo trên ngựa vốn phát tích từ chính xứ Ba Tư này...
Tôi dừng lại lâu lâu trước bức tranh thảm vẽ cảnh ăn chơi ở xứ Ba Tư ngày trước. Các tài tử giai nhân, rượu tuôn như suối, miệng ngâm nga xuất khẩu thành thơ. Đây là xứ sở của thơ ca, các thi nhân như Saadi và Omar Khayyam vẫn tụng ca rượu và giai nhân trong thơ mình. Nói thêm: nước Cộng hòa Hồi giáo hôm nay cấm rượu, ai muốn uống thì chỉ có loại bia đã rút mất cồn (non-alcoholic beer) nhập từ nước ngoài. Vậy cái văn hóa rượu đổ chan hòa trong bức tranh thảm chỉ là sự phản ánh hiện thực cổ xưa như một luyến nhớ. Cũng vì phản ánh hiện thực, một giai nhân được thể hiện cổ áo trễ xuống dưới bầu ngực. Nhưng cũng vì hiện tại phụ nữ đang phải che phủ áo choàng từ đầu đến chân, ông chủ cửa hàng phải lấy một miếng giấy trắng ghim vào chỗ ngực của giai nhân che di cảnh nhạy cảm. Tất nhiên ai mua tranh về trưng bày trong nhà thì có thể gỡ miếng che này ra. Ai sẽ là người mua nhỉ? Tôi vẩn vơ như vậy khi nhìn đến giá tiền: 18.000 USD. Kích thước bằng chiếc chiếu đôi. Trọng lượng bức tranh thảm hơn 20 kg. Giá tiền ấy là ở Tabriz, về đến khu chợ tại thủ đô Tehran chắc phải đắt hơn vài ba ngàn đô la.
Thảm Ba Tư được hoàn thiện trong một lịch sử 2.500 năm. Ở thế kỷ 16 và 17, nghề thảm được các hoàng đế bảo trợ, những người thiết kế và dệt thảm được hưởng nhiều đặc ân. Len dệt thảm làm từ lông cừu hảo hạng. Màu sắc được lấy từ màu nguyên thủy của các loại thảo mộc rau quả, lý do khiến nhiều tấm thảm trải qua hàng trăm năm vẫn không phai màu. Mỗi tấm thảm có khoảng 70 màu khác nhau. Một tấm thảm Ba Tư loại thông thường phải dệt khoảng 50 mũi trên 1 cm². Loại thảm cao cấp trên 50 mũi. Còn với những bức tranh tinh xảo thì có thể lên đến gần 500 mũi trên 1 cm².
Trong Bảo tàng Azarbayjan (theo phiên âm địa phương) ờ Tabriz trưng bày tấm thảm dệt lại mô phỏng tấm thảm Chelsea hiện bày tại Bảo tàng Victoria & Albert ở London. Gọi là thảm Chelsea vì tấm thảm gốc này được đem ra bán trên phố Kings Road ở vùng Chelsea khoảng nửa thế kỷ trước. Đây được coi là một trong những tấm thảm đẹp nhất cổ kim đông tây. Tôi loay hoay tìm góc độ để chụp toàn bộ tấm thảm cuối cùng ra khỏi bảo tàng mới giở ra xem lại thì ảnh hỏng. Không có duyên. May mà còn được một tấm ảnh chụp cận, chi tiết.
Uống trà, nghe kể chuyện tấm thảm
Bức tranh thảm bày bán với giá 18.000 USD
Những hiệu bán tranh thảm trong chợ Ba Tư
Lạc đường trong chợ Ba Tư là chuyện bình thường. Thật khó tìm ra đường để quay lại cửa mà ta đã vào. Vào một cửa phải ra cửa khác, có khi cách xa hàng cây số. Với khu chợ như thế này, người ta có hai cách: hoặc đưa chân đi bất cứ đâu, chấp nhận sẽ ra bằng một cửa rất xa điểm đến, hoặc hãy làm quen với một người bán thảm. Người này thường lảng vảng ở một lối vào, bắt quen với ta, rồi sẵn sàng hướng dẫn ta đi xem chợ. Gặp một người như vậy, chúng tôi được anh ta dẫn đi trong mê cung xem khu chợ của phường vàng bạc. Sao lại là phường vàng bạc? Vì khu vàng bạc thường rất đẹp khi lên ảnh. Khu chợ đồ thảo mộc hương liệu, dược liệu cũng thuộc diện ăn ảnh như vậy.
Xong việc chơi chợ và chụp ảnh mới là lúc theo anh chàng bán thảm đến với chợ thảm tranh và thảm trải sàn. Được chuyện trò, được nghe kể về lịch sử nghề dệt thảm, những truyền thuyết về thảm. Chuyện trò, không nhất thiết ta cứ phải mua thảm, mà còn được mời uống trà. Trà trong chợ thảm cũng là một nét Ba Tư. Trà đen, không pha đường sữa và hương thảo mộc như trà ở Ấn Độ. Trà đen đang nóng, chiêu một ngụm sau khi ngậm một viên đường vuông vắn, cũng có khi là một cục đường không vuông vắn, chặt ra từ những tảng đường to. Ngậm một viên rồi mới uống một ngụm trà. Cái lý cùa người Ba Tư: như vậy trà vừa đậm đà, và sau khi uống trong miệng không có vị chua do đường để lại.
Cốc trà nóng như thế đã kết thúc một ngày khám phá chợ Ba Tư và thảm Ba Tư.
Nhà văn Hồ Anh Thái Con đường tơ lụa vào đến Ba Tư đã gần khép lại tuyến đường dài hơn 8.000 km, nối liền đến tận Trung Hoa và châu Âu. Thuở ban đầu, lụa là mặt hàng còn quý hơn vàng, thậm chí người La Mã còn gửi cả những nhóm gián điệp sang phương Đông để ăn cắp trứng tằm, đó là lực lượng tình báo công nghiệp sớm bậc nhất của nhân loại. Con đường tơ lụa không phải là đường cái, mà chỉ đơn giản là mạng lưới những lối đi cho xe thồ và lạc đà, xuyên qua những dãy núi cao bậc nhất và những sa mạc khắc nghiệt cũng bậc nhất. Ba Tư là điểm trung chuyển, mặt hàng gửi về phía Đông gồm vàng bạc, ngà voi, đá quý, len dạ, pha lê màu của vùng Địa Trung Hải, hương liệu, rượu và nho... và chuyển sang phương Tây những mặt hàng như lụa, đồ sứ, đá quý, gia vị, nước hoa... Đoàn buôn dừng chân trong những khu chợ Ba Tư, đồi ngựa và lạc đà, nạp thêm năng lượng để tiếp tục hành trình dằng dặc.
Con đường tơ lụa chấm dứt hoạt ở thế kỷ 15, khi người châu Âu phát hiện tuyến đường biển thuận tiện hơn. Nhưng lúc ấy con đường cũng đã hoàn thành sứ mệnh của nó, không chỉ là thương mại mà cả trong lĩnh vực tư tưởng. Cũng trên tuyến đường này, các tôn giáo đã cùng tồn tại và truyền bá qua lại, đặc biệt phổ biến một tinh thần khoan dung. Những tôn giáo Ba Tư như Hỏa giáo (Zoroastrianism), Minh giáo (còn gọi là Mani giáo, Manichaeism) đã có dịp được giao thoa với Phật giáo, Công giáo, Do Thái giáo, Shaman giáo, Khổng giáo... |
Bình luận (0)