Chuyến bay đầu tiên chở hàng cứu trợ với nhân viên cứu hộ, thuốc men và các vật dụng khác đã hạ cánh chiều 27-10 xuống quần đảo Mentawai xa xôi của Indonesia, cách tỉnh Sumatra 280 km. Nơi đây đã bị sóng thần tàn phá nặng nề sau khi trận động đất mạnh 7,7 độ Richter xảy ra vào đêm 25-10. Ít nhất 14 cơn dư chấn đã xuất hiện sau đó, mạnh nhất lên đến 6,2 độ Richter.
Một em bé mồ côi sống sót ở làng Muntei Baru. Ảnh: AP
Thiệt hại nặng nề
Trong khi đó, theo hãng tin AP, ông Harmensyah, Giám đốc Trung tâm Quản lý thiên tai tỉnh Tây Sumatra, cho biết con số tử vong do đợt sóng thần cao 3 m cuốn trôi nhiều làng mạc này đã lên đến ít nhất hơn 300 người. Ngoài ra, khoảng 400 người vẫn còn mất tích.
Mấy ngày qua, biển động và thời tiết xấu đã cản trở công cuộc cứu tế, khiến người dân phải tự xoay xở. Theo quận trưởng Edison Salelo Baja, số người đào huyệt không đủ đáp ứng tình hình nên thi thể người chết nằm la liệt trên các bãi biển và đường sá. Bên cạnh đó, các ngư dân đang lùng sục vùng biển để tìm kiếm người sống sót.
Các giới chức phụ trách về thảm họa của Indonesia vẫn đang cố gắng đi đến khoảng 20 ngôi làng trên quần đảo Mentawai để cứu hộ. Ông Mujiharto, Giám đốc Trung tâm Khủng hoảng thuộc Bộ Y tế Indonesia, nhấn mạnh rằng họ chuẩn bị tư thế cho tình huống xấu nhất. Hàng trăm túi đựng xác được gửi đến hiện trường.
Ông Ade Edward, giới chức theo dõi thảm họa, thông báo chiếc máy bay hàng đầu tiên với 16 tấn lều bạt, thuốc men, lương thực và quần áo đã đến vào chiều 27-10. Bên cạnh đó, bốn chiếc trực thăng cũng đã hạ cánh xuống Sikakap, một thị trấn trên đảo Bắc Pagai, nơi sẽ là trung tâm của các hoạt động cứu tế.
Ông Edward bày tỏ hy vọng rằng công cuộc tìm kiếm và cứu nạn sẽ tiến triển. Ông nhấn mạnh: “Hiện nay, chúng tôi có cơ hội tìm kiếm người mất tích từ trên máy bay, đồng thời đánh giá mức độ tổn thất”.
Trải nghiệm đau thương
Các giới chức thông báo hàng trăm ngôi nhà bằng gỗ và bằng tre trên đảo Pagai đã bị cuốn trôi. Hơn nữa, nước còn tràn ngập các cánh đồng và đường sá. Ở làng Muntei Baru trên đảo Silabu, đến 80% nhà cửa đã bị tàn phá nặng nề.
Tám người Úc, một người Mỹ và một người New Zealand sống sót đã được đưa đến thành phố Padang thuộc tỉnh Sumatra. Tại đây, họ kể lại cuộc chạm trán đau thương bất ngờ của họ với sóng thần. Theo lời kể của những người sống sót và cũng là nhân chứng này, họ ở trên boong chiếc tàu MV Midas đang neo đậu thì một bức tường nước ập đến đập mạnh tàu của họ vào con tàu bên cạnh. Đồng thời, một đám cháy bùng lên đã nhanh chóng lan ra khắp buồng lái.
Daniel North, một thủy thủ người Mỹ, kể: “Gần như ngay lập tức, viên thuyền trưởng đã ra lệnh cho chúng tôi rời khỏi tàu”.
Sau đó, họ bám vào những tấm ván lướt sóng, những tấm đệm chắn và bất cứ thứ gì có thể nổi được. Thế rồi, họ bị nước cuốn vào một khu vực đầm lầy. Họ leo lên những cây cao nhất có thể tìm được và chờ đợi suốt hơn 90 phút cho đến khi họ cảm thấy an toàn.
Vì sao có sóng thần?
Theo trang web LiveScience, các yếu tố có vai trò ở đây gồm: Độ mạnh của trận động đất, hướng chuyển động của động đất và địa hình của đáy biển. Như vậy, trận động đất 7,7 độ Richter vừa qua ở Indonesia vừa vượt qua khỏi ngưỡng để có thể gây ra sóng thần.
Nhà địa vật lý Don Blakeman, Trung tâm Thông tin động đất quốc gia thuộc Cơ quan Khảo sát địa chất của Mỹ, khẳng định: “Các trận động đất dưới 7,5 độ Richter hoặc 7 độ Richter thường không gây ra sóng thần. Tuy nhiên, đôi khi trận động đất 6 độ Richter vẫn có thể gây ra sóng thần cục bộ, nhỏ hơn và sức tàn phá yếu hơn”. |
Tổng thống Barack Obama cam kết giúp đỡ
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi lời chia buồn và cam kết giúp đỡ Indonesia khắc phục hậu quả trận sóng thần. Dù vậy, theo hãng tin AFP, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết đất nước ông hiện chưa cần đến sự hỗ trợ của nước ngoài sau thiên tai nói trên.
P.Võ |
Bình luận (0)