Con tàu Columbia đã nổ tung 16 phút trước khi trở về mặt đất hôm 1-2, chấm dứt 22 năm tồn tại của mình đồng thời làm thiệt mạng 7 phi hành gia trên tàu.
Michael Kostelnik, Phó Giám đốc NASA, cho biết những mảnh vỡ được tìm thấy ở các nơi trên có thể là thuộc phần cánh phi thuyền. Tuy nhiên, ông cảnh báo NASA vẫn chưa xác định liệu những mảnh vỡ này có liên can đến thảm họa tàu Columbia hay không. Cùng lúc các nhà điều tra ở Florida tiến hành nghiên cứu những dòng hải lưu ở biển Đại Tây Dương gần Trung tâm Không gian Kennedy để cố gắng xác định nơi những tấm chịu nhiệt và những bộ phận khác của tàu Columbia rơi xuống.
Vinh quang và thảm kịch 5-1-1972: TT Richard Nixon cho phát triển loại tàu không gian con thoi có thể sử dụng lại. Loại tàu có thể được phóng lên như tên lửa, bay quanh quỹ đạo trái đất, và hạ cánh như máy bay. 12-12-1981: Tàu con thoi đầu tiên Columbia được phóng lên không gian. Chuyến bay kéo dài hơn 2 giờ, mục đích ban đầu là kiểm tra hệ thống tàu không gian. 18-6-1983: Sally Ride trở thành nữ phi hành gia đầu tiên của Mỹ, đi trên tàu con thoi Challenger. Phi hành đoàn triển khai 2 vệ tinh viễn thông. 30-8-1983: Guion Bluford, đi trên tàu Challenger, là phi hành gia Mỹ da đen đầu tiên. 28-11-1983: Tàu Columbia đưa vào quỹ đạo trạm thí nghiệm không gian (Spacelab) đầu tiên do NASA và Cơ quan Châu Âu thiết kế. 7-2-1984: Bruce McCandless bước ra không gian từ tàu Challenger. 28-1-1986: Tàu Challenger, trong đó có nhà giáo Christa McAuliffe đi trên tàu, nổ tung chỉ 73 giây sau khi được phóng lên. 29-9-1988: Tàu con thoi Discovery được phóng vào không gian sau gần 3 năm các đội phi hành đều nằm dưới đất. 4-5-1989: Tàu con thoi Atlantis đẩy tàu không người lái Magellan vào quỹ đạo để tàu Magellan đi tiếp hành trình 15 tháng đến sao Kim. 18-10-1989: Tàu con thoi Atlantis đưa tàu Galileo vào quỹ đạo. Sáu năm sau, nó trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên bay quanh quỹ đạo sao Mộc. 26-4-1990: Tàu con thoi Discovery đưa kính viễn vọng Hubble lên không gian. 7-5-1995: Tàu con thoi Endeavour - được chế tạo để thay thế tàu Challenger - bay chuyến đầu tiên. 29-6-1995: Atlantis là tàu con thoi đầu tiên cặp vào trạm không gian Mir của Nga. 29-10-1998: Thượng nghị sĩ John Glenn - người Mỹ đầu tiên bay quanh quỹ đạo trái đất trên khoang tàu Mercury hồi năm 1962 – đi trên tàu con thoi Discovery lúc ông 77 tuổi. 4-12-1998: Phi hành đoàn tàu Endeavour bắt đầu cho tàu ráp nối với trạm không gian quốc tế ISS. 1-2-2003: Tàu Columbia bị nổ khi trở về trái đất, 22 năm sau từ khi tàu này bay chuyến đầu tiên và chuyến tàu con thoi thứ 113. Trúc Lâm (THEO TIME)
LỊCH SỬ TÀU CON THOI
Cho đến nay cuộc điều tra chỉ tập trung vào khu vực trải dài từ miền Trung bang Texas đến miền Trung Louisiana. Một bản đồ ra đa của NASA cho thấy nơi đây “hứng” nhiều mảnh vỡ của chiếc Columbia nhất. Theo ông Kostelnik, khu vực “hứng” các mảnh vỡ của chiếc Columbia có thể sẽ lớn hơn 72.800 km2 như dự đoán ban đầu. Ngoài các chuyên viên NASA, khoảng 300 nhân viên của 30 cơ quan khác đang tham gia thu nhặt các mảnh vỡ và chúng sẽ được tập kết tại căn cứ không quân Barksdale ở bang Louisiana để được sắp xếp lại phục vụ cho cuộc điều tra.Hiện cuộc điều tra đang xoáy vào khả năng một miếng xốp cách nhiệt nặng hơn 1,1 kg và dày khoảng 508 mm đã rơi ra khỏi bồn chứa nhiên liệu bên ngoài con tàu khi cất cánh và mặt đáy bên trái cánh, gây tác hại đến những tấm chịu nhiệt và dẫn đến thảm họa ngày 1-2 vừa qua.
Trong khi đó, theo ông Paul Fischbeck, giáo sư kỹ thuật của Trường Đại học Carnegie Mellon – người thực hiện một cuộc nghiên cứu về thảm họa Columbia, NASA đã được cảnh báo về hiểm họa đối với chiếc phi thuyền này từ 9 năm trước. Ông Fischbeck và một đồng sự tại trường Đại học Standford đã nghiên cứu những hư hại từ các mảnh vỡ trong 50 lần phóng tàu con thoi và kết luận rằng bình quân 25 tấm chịu nhiệt bị hư hại trong mỗi chuyến bay. Trong bản báo cáo được đưa ra vào năm 1994, các nhà nghiên cứu chỉ xem xét những vết hư hại có kích cỡ 25,4 mm. Theo ông Fischbeck, NASA chỉ thay đổi phần xốp cách nhiệt trên đỉnh những tên lửa đẩy và để ít đá hơn trên các bồn chứa nhiên liệu lúc cất cánh. Cũng liên quan đến vai trò của NASA, John Macidull, thành viên của một ủy ban trực thuộc tổng thống - tiến hành điều tra thảm họa tàu Challenger 17 năm trước đây, đã nói với đài ABC News rằng các quan chức NASA đã “vô trách nhiệm” khi không hề ra lệnh kiểm tra từ xa mặt đáy của con tàu Columbia trong suốt chuyến hành trình 16 ngày, ngay cả sau khi các kỹ sư phát hiện miếng xốp cách nhiệt đã gây hư hại cho những tấm chịu nhiệt.
Theo các chuyên gia hàng không, có lẽ trong vòng 10 năm tới NASA sẽ không thay thế tàu Columbia bằng một chiếc khác, nhưng để có thể đảm bảo chương trình không gian của mình, NASA sẽ “nhờ vả” Nga nhiều hơn trong việc tiếp tế cho Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Hôm 4-2, một tàu không người lái của Nga đã đáp thành công xuống trạm ISS, mang theo nhiên liệu và lương thực cho trạm và 3 phi hành gia ở đây để bù vào chỗ thiếu hụt sau thảm họa của con tàu Columbia. Nhật đã tuyên bố tạm thời không cho phép bất kỳ phi hành gia người Nhật nào tham gia các chuyến bay sắp tới nếu không được đảm bảo an toàn. Báo chí Trung Quốc cũng cho biết thảm họa tàu Columbia không ngăn cản được quyết tâm của chính quyền nước này thực hiện kế hoạch đưa người vào không gian vào cuối năm nay.
Những phi hành gia trên “con tàu tử thần”
Kalpana Chawla, 41 tuổi, người Mỹ gốc Ấn Độ, được NASA tuyển dụng vào tháng 12-1994. Chawla có kinh nghiệm gần 400 giờ bay trong không gian và là người đầu tiên điều khiển cánh tay rô bốt trong chuyến bay năm 1997.
William McCool, 40 tuổi, gia nhập NASA vào tháng 4-1996. Đây là chuyến bay vào không gian đầu tiên của anh.
Rick Husband, 45 tuổi, đại tá không quân Mỹ, được xem là người chỉ huy có trách nhiệm cao. Husband làm việc cho NASA từ tháng 12-1994, có kinh nghiệm hàng trăm giờ bay vào không gian.
Ilan Ramon, 48 tuổi, người Israel, bắt đầu làm việc cho NASA vào tháng 7-1998. Đây là chuyến bay đầu tiên của anh vào vũ trụ.
Michael Anderson, 42 tuổi, trung tá không quân Mỹ, được NASA tuyển dụng vào tháng 12-1994, có kinh nghiệm 211 giờ bay trong không gian.
Laurel Clark, 41 tuổi, tiến sĩ y khoa, gia nhập NASA vào tháng 4-1996. Đây là chuyến bay đầu tiên vào không gian của cô.
David Brown, 46 tuổi, đại úy quân y, từng làm việc cho nhiều cơ quan không gian các nước, được NASA tuyển dụng vào tháng 4-1996. Đây là chuyến bay vào không gian đầu tiên của anh.
Bình luận (0)