Giữa lúc các mối đe dọa ngày càng gia tăng cùng với sự quấy nhiễu trên mạng, khả năng xảy ra một vụ tấn công bạo lực ngày càng hiện hữu. Nỗi sợ hãi lớn nhất đối với họ đã trở thành hiện thực ngày 27-10, khi một tay súng xông vào giáo đường của người Do Thái ở TP Pittsburgh, bang Pennsylvania, giết chết ít nhất 11 người và khiến nhiều người khác bị thương. Vừa xả súng điên cuồng vào những người Do Thái đang cầu nguyện, tay súng này vừa hét lớn: "Tất cả người Do Thái phải chết!".
Kẻ tấn công - Robert Bowers, đã bị bắt giữ - chỉ cần 20 phút để gieo rắc nỗi kinh hoàng bằng một khẩu súng trường và 3 súng ngắn. Trang cá nhân trên mạng xã hội của kẻ sát nhân 46 tuổi này vẫn còn lưu giữ nhiều thông điệp độc hại chống Do Thái. Đây là vụ tấn công đơn lẻ khủng khiếp nhất nhằm vào người Do Thái ở Mỹ trong lịch sử nước này. Nó khiến nhiều người bị sốc và sợ hãi nhưng lại không gây bất ngờ - theo Giám đốc Trung tâm về Chủ nghĩa cực đoan (ADL) của Liên đoàn Chống phỉ báng (Mỹ) Oren Segal.
Dữ liệu từ ADL cho thấy năm 2017, các vụ việc chống Do Thái ở Mỹ đã tăng 57% so với năm trước đó. Chúng bao gồm các hành động đe dọa đánh bom và tấn công, phá hoại nghĩa trang, trút tờ rơi, vẽ bậy những nội dung chống Do Thái ở các trường đại học. Theo Chủ tịch Liên minh Đa Tôn giáo ở Washington D.C. (Mỹ), sự phơi bày công khai của chủ nghĩa chống Do Thái hiện nay không giống với bất cứ điều gì ông từng chứng kiến trong cuộc đời. Nó khiến ông quay lại cảm giác của những năm đầu thập niên 1950.
Người đàn ông bày tỏ sự tiếc thương tới các nạn nhân trong vụ xả súng tại giáo đường của người Do Thái ở Pittsburgh. Ảnh: REUTERS
Theo Washington Post, vụ thảm sát đẫm máu hôm 27-10 xảy ra trên nền một kỷ nguyên độc hại trong đời sống xã hội và chính trị của Mỹ. Nhiều người dân xứ sở cờ hoa cho rằng sự lớn mạnh của chủ nghĩa chống Do Thái, bài ngoại và phân biệt chủng tộc trong 2 năm qua đã được nuôi dưỡng bởi chính luận điệu của một số lãnh đạo nước nhà.
Trong khi đó, bà Joan Donovan, người đứng đầu nghiên cứu về vận động truyền thông thuộc Viện Nghiên cứu xã hội và dữ liệu (Mỹ), nhận định sự trỗi dậy của phe cực hữu ở Mỹ và châu Âu gắn liền với cả sự phát tán các âm mưu chống Do Thái về sự thống trị toàn cầu của họ và những lời kêu gọi gia tăng thắt chặt biên giới hơn, cũng như các chính sách dân tộc chủ nghĩa ở những nước có đa số dân là da trắng.
Bình luận (0)