Tại phố cổ Frounze của thủ đô Moscow có những quán bar ăn chơi nổi tiếng thường xuyên tập họp những ca sĩ nhạp pop, vũ nữ, người mẫu phục vụ giới doanh nhân giàu có bằng rượu Vodka và những điệu nhảy. Tại phố này thường tổ chức những đêm dạ hội quảng cáo hàng của các doanh nhân nước ngoài. Những dạ hội kiểu này ngày càng nhiều ở Moscow, thành phố có nhiều triệu phú nhất thế giới, đa số nhờ kinh doanh dầu mỏ.
Trong một buổi dạ hội quảng cáo hàng ở phố Frounze, Karim Rachid, nhà thiết kế trang trí nội thất cao cấp người Canada, cùng một số đồng nghiệp phương Tây đã tiết lộ với giới báo chí mặt trái của kinh tế thị trường Nga mà nội dung chính là tệ nạn tham nhũng trong giới có chức, có quyền. Những doanh nhân này chính là nạn nhân của tệ tham nhũng.
Frank Newman, một doanh nhân Mỹ, tháng 1 vừa qua đã khiếu nại với đội đặc nhiệm chống tội phạm của cảnh sát Moscow về vụ việc ông ta bị những kẻ có vũ trang, đeo mặt nạ trục xuất khỏi công ty trang trí nội thất của ông tại thành phố. Bọn người này buộc ông phải ký giấy “chuyển nhượng” 4,9 triệu USD trong tài khoản của công ty. Quá thất vọng, Newman phải gọi điện thoại cho một người bạn Mỹ đang dự hội nghị kinh tế thượng đỉnh của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Davos, Thụy Sĩ. Vụ việc này lập tức được trình bày với Phó Thủ tướng Nga Alexandre Joukov trong cuộc thảo luận tại hội nghị về điều kiện đầu tư tại Nga. Không rõ phản ứng của phó thủ tướng Nga ra sao, nhưng trong một bữa tiệc sau đó, theo báo Moscow News tường thuật lại thì các doanh nhân Nga đã xác nhận “tình trạng giành quyền kiểm soát các xí nghiệp do nước ngoài đầu tư bằng các thủ đoạn bạo lực vẫn còn phổ biến ở Nga”.
Tổng mức đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tại Nga còn rất hạn chế so với Ba Lan và Hungary. Nhưng nhịp độ tăng trưởng cao (6,8% năm 2004), cũng như thu nhập thực tế của dân Nga tăng hằng năm (7% năm ngoái) đang thúc đẩy sự phát triển một xã hội tiêu dùng. Một thị trường 143 triệu dân gồm những trung tâm đô thị lớn của những gia đình giàu có đua nhau mua sắm tiện nghi cao cấp, hiện đại đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Không chỉ các doanh nhân phương Tây phàn nàn mà tổ chức phi chính phủ “Minh bạch quốc tế” (TI) đã xếp loại nước Nga có sự minh bạch trong kinh doanh ở vị trí 90 trên thế giới, ngang với Tanzania và Nepal (Phần Lan xếp đầu và Pháp thứ 22). Một doanh nhân Anh, chủ xí nghiệp thiết bị tin học của một liên doanh châu Âu tại Nga, tiết lộ: “Khoảng 1/3 ngân sách của chúng tôi dùng để chi hối lộ cho các quan chức địa phương hoặc cái gọi là “các dịch vụ an ninh” do các quan chức đó quy định. Để khỏi phiền phức, chúng tôi phải thông qua trung gian môi giới đưa các khoản lót tay, hoa hồng”. Mạng thông tin News.ru của Nga mới đây đã trích dẫn số liệu thống kê của “Quỹ Indem”, một viện nghiên cứu xã hội ở Moscow, cho biết hằng năm các doanh nhân nước ngoài đã chi khoảng 33,5 tỉ USD (!) để hối lộ các quan chức Nga.
Chỉ duy nhất có một doanh nhân phương Tây dám công khai lên tiếng về tệ nạn tham nhũng. Đó là ông Lennart Dalgren, người Thuỵ Điển đến Nga làm ăn từ tháng 8-1998 trong cương vị giám đốc tập đoàn siêu thị Ikea. Cuối tháng 12-2004, ông Dalgren đã tố cáo trên báo chí vụ tống tiền đòi hối lộ trong ngày Ikea khai trương một siêu thị mới với kinh phí đầu tư 300 triệu USD tại ngoại ô Moscow. Vụ xì-căng-đan này làm điên đầu các quan chức Nga. Tuy ông Dalgren bị hăm dọa “trả thù”, nhưng 2 tháng sau, siêu thị đã được khai trương mặc dầu trước đó đã 4 lần bị “kiểm tra tài chính”. Ông Dalgren nói về vụ này: “Không nói sự thật thì không giải quyết được vấn đề. Tôi không có ý định và cũng không thể làm thay đổi nước Nga mà chỉ muốn sửa đổi cung cách làm ăn của các quan chức mà tôi phải tiếp xúc hằng ngày trong công việc kinh doanh”.
Bình luận (0)