Các nhà phân tích đánh giá nạn tham nhũng góp phần gia tăng đói nghèo và phá vỡ hệ thống kinh tế ở nhiều quốc gia, đặc biệt là khi nó dính tới giới lãnh đạo cao nhất như tại Guatemala và Brazil.
Guatemala đang rơi vào khủng hoảng chính trị sau khi cựu Phó Tổng thống Roxana Baldetti bị đưa ra xét xử hôm 25-8, còn Tổng thống Otto Perez Molina bắt đầu bị Tòa án Tối cao luận tội. Theo AP, bà Baldetti bị buộc tội gian lận thuế nhập khẩu và nhận hối lộ 3,7 triệu USD. Xì-căng-đan chấn động này không chỉ khiến bà Baldetti phải từ chức hồi tháng 5-2015 mà còn thổi bay ghế của 5/13 bộ trưởng, 8 thứ trưởng, 2 thư ký và một số quan chức chính phủ khác. Đó là chưa kể gần 30 người bị bắt giữ. Tổng thống Molina lên tiếng xin lỗi nhưng tuyên bố không từ chức và khẳng định vô can, dẫn đến các cuộc biểu tình đòi ông ra đi.
Các công tố viên và Ủy ban Quốc tế Chống lại quyền miễn trừ ở Guatemala đã đề nghị tước quyền miễn trừ của tổng thống dựa trên cáo buộc ông Molina có mối liên hệ chặt chẽ với mạng lưới quan chức nhận hối lộ để giúp các doanh nhân né thuế nhập khẩu. Theo phán quyết của Tòa án Tối cao hôm 25-8, quốc hội Guatemala sẽ bỏ phiếu về việc có tước quyền miễn trừ của Tổng thống Molina hay không. Một kết quả không thuận lợi có thể khiến ông Molina đối mặt nguy cơ bị truy tố và cách chức. Chính vì vậy, nhiều người biểu tình đòi hoãn cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 6-9 cho đến khi giải quyết xong vụ việc.
Cũng trong ngày 25-8, thẩm phán liên bang Brazil Sergio Moro tuyên bố có những dấu hiệu cho thấy bà Gleisi Hoffmann, cựu chánh văn phòng tổng thống từ năm 2011-2014 (dưới thời Tổng thống Dilma Rousseff), đã nhận hối lộ. Thẩm phán Moro yêu cầu Tòa án Tối cao cho phép mở cuộc điều tra để xem bà Hoffmann, hiện là thượng nghị sĩ và vẫn có quan hệ gần gũi với Tổng thống Rousseff, có hưởng lợi từ một vụ án tham nhũng liên quan đến Bộ Kế hoạch hay không.
Ông Moro cho biết chồng bà Hoffmann là ông Paulo Bernardo cũng có thể dính líu đến vụ tham nhũng này. Ông Bernardo là bộ trưởng Bộ Kế hoạch dưới thời Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, sau đó làm bộ trưởng Bộ Viễn thông trong chính phủ của bà Rousseff. Điều đáng nói là bà Hoffmann cũng nằm trong hàng chục chính khách bị điều tra vì cáo buộc nhận hối lộ từ Tập đoàn Dầu mỏ Petrobras - một vụ “siêu tham nhũng” đang khuấy đảo chính trường Brazil.
“Đây là một tin rất xấu đối với Tổng thống Rousseff vào thời điểm bà đang cố gắng giảm thiểu tác động của vụ Petrobras đối với sự nghiệp chính trị của mình. Những thông tin về bà Hoffmann đang đẩy khủng hoảng đến gần bà Rousseff hơn” - ông Thiago de Aragao, chuyên gia tại Công ty Tư vấn Arko Advice, nhận định.
Chưa rõ cuộc điều tra ở Bộ Kế hoạch có chạm đến được nhà lãnh đạo Brazil hay không. Tổng thống Rousseff lâu nay vẫn khẳng định không biết về chuyện tham nhũng ở Petrobras trong thời gian bà làm chủ tịch hội đồng quản trị công ty này từ năm 2003-2010. Dù vậy, vụ bê bối khiến tỉ lệ ủng hộ bà Rousseff xuống dưới 10%, kéo theo những lời kêu gọi luận tội bà trong bối cảnh kinh tế Brazil tăng trưởng chậm lại. Các công tố viên liên bang vào tuần rồi đã buộc tội 2 chính khách đầu tiên trong vụ Petrobras: đương kim chủ tịch hạ viện Eduardo Cunha và thượng nghị sĩ Fernando Collor de Mello, một cựu tổng thống.
Bình luận (0)