Theo tài liệu của cảnh sát, Breivik đã thoải mái xả súng trên đảo Utoyea trong vòng 75 phút trước khi y bị bắt. Cảnh sát trưởng quốc gia Na Uy, ông Oeystein Maeland, thừa nhận lẽ ra Breivik đã bị bắt sớm hơn nếu như cảnh sát không chọn thuyền cao su để làm phương tiện ra đảo. Chiếc thuyền đã bị quá tải và vỡ tung. Ngoài ra, cảnh sát Na Uy còn bị chỉ trích vì không sử dụng trực thăng sẵn có để đến hiện trường.
Cảnh sát Na Uy xin lỗi vì sự chậm trễ trong vụ thảm sát tháng 7-2011. Ảnh: ERL
Những nguyên nhân khác khiến cảnh sát chậm phản ứng là thiếu liên lạc với nhau, quân số bị hạn chế và thiếu tính tổ chức trong trường hợp khẩn cấp.
Cảnh sát trưởng Maeland nói: "Thay mặt cảnh sát Na Uy, tôi muốn gửi lời xin lỗi vì đã không bắt Anders Behring Breivik sớm hơn. Mỗi phút trôi qua là một phút chậm trễ. Nếu đến sớm hơn, chúng tôi đã có thể cứu được nhiều người”.
Sau khi nghe lời xin lỗi của ông Maeland, ông Unni Espeland Marcussen, cha của cô bé 16 tuổi Adrine, được cho là nạn nhân cuối cùng của Breivik, nói rằng ông chấp nhận lời xin lỗi trên.
Ngày 22-7 năm ngoái, Breivik đã đánh bom xe bên ngoài tòa nhà chính phủ Na Uy, giết chết 8 người. Sau đó, y tới đảo Utoyea ở phía bắc Oslo, mặc đồng phục của cảnh sát và xả súng giết thêm 69 người khác, chủ yếu là thanh thiếu niên đang dự trại hè do Công đảng cầm quyền tổ chức.
Sát thủ Breivik sau khi bị bắt ngày 22-7. Ảnh: AFP
Sau khi bị bắt, Breivik tuyên bố chống lại chủ nghĩa đa văn hóa và muốn quét sạch “sự xâm chiếm của đạo Hồi” ra khỏi châu Âu. Dự kiến Breivik sẽ ra tòa ngày 16-4 tới với các tội danh hành động khủng bố và giết người và có thể phải ngồi tù 21 năm.
Tuy nhiên, nếu được chứng minh mắc bệnh tâm thần, sát thủ 33 tuổi này sẽ được đưa vào nơi giam giữ dành cho các tù nhân có vấn đề về tâm lý.
Bình luận (0)