xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tham vọng của cơ quan tuyệt mật Mỹ

PHƯƠNG VÕ

Đạn bắn tỉa không bao giờ trật, siêu binh sĩ với siêu sức mạnh, chiến binh robot... giờ đây không còn là chuyện quá xa vời

Nhiều công nghệ tưởng chỉ có trong khoa học viễn tưởng đang được Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) - phòng thí nghiệm tuyệt mật và gây tranh cãi nhất của chính phủ Mỹ - phát triển với mục tiêu cách mạng hóa cách giao chiến của quân đội trong tương lai.

Mang lại lợi thế

Kể từ khi ra đời năm 1958, DARPA đã trở thành chủ đề của một loạt thuyết âm mưu, theo đó cơ quan này đang che đậy sự hiện diện của vật thể bay không xác định (UFO), phát triển công nghệ kiểm soát tâm trí và chế tạo các loại siêu vũ khí đủ sức làm rung chuyển trái đất. Tuy nhiên, sự thật là DARPA thường tập trung phát triển các công nghệ chỉ có trong tưởng tượng và có tiềm năng thay đổi thế giới. 

Tham vọng mang lại cho quân đội Mỹ lợi thế đáng kể cũng thúc đẩy DARPA cho ra đời một số công nghệ thiết thực với cuộc sống hằng ngày. Hệ thống định vị toàn cầu (GPS), dịch vụ bản đồ Google Maps và thậm chí cả internet, đều có nguồn gốc từ các phòng thí nghiệm bí mật của DARPA.

Tham vọng của cơ quan tuyệt mật Mỹ - Ảnh 1.

Bộ binh Mỹ trong tương lai còn có thể trở thành siêu binh sĩ nhờ bộ khung xương ngoài mang tên Soft Exosuit Ảnh: ARMY.MIL

Dù vậy, lo ngại cũng gia tăng khi DARPA theo đuổi các dự án gây tranh cãi, như loại đạn bắn tỉa EXACTO có khả năng điều chỉnh, thay đổi quỹ đạo sau khi khai hỏa để bảo đảm không bao giờ trật mục tiêu. Đằng sau phát minh này là mong muốn loại bỏ tác động của thời tiết xấu, sức gió, khoảng cách xa hoặc sai sót của con người đối với độ chính xác của đạn bắn tỉa. DARPA không nói nhiều về thành tựu này nhưng các thử nghiệm cho thấy đạn EXACTO - được cho là có trang bị bộ cảm biến quang học - đạt độ chính xác cao và dễ sử dụng.

Sau đạn "bách phát bách trúng" là siêu binh sĩ với sự hỗ trợ của bộ khung xương ngoài do DARPA phát triển với sự hỗ trợ của Viện Ứng dụng sinh học sáng tạo Wyss thuộc Trường ĐH Harvard (Mỹ). Khung xương nhẹ di động này, gọi là Soft Exosuit, được tích hợp bộ cảm biến, máy vi tính cực nhỏ để tính toán và đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. 

Thiết bị có thể tăng cường sức mạnh, sức chịu đựng của người đeo bằng cách hỗ trợ các chuyển động và gánh một phần sức nặng khi họ đi bộ trên quãng đường dài và mang vác vật nặng. Nhờ vậy, binh sĩ sử dụng nó có thể di chuyển nhanh và hiệu quả hơn ngoài chiến trường, từ đó giúp họ tiết kiệm sức lực. Một số thử nghiệm cho thấy thiết bị giúp họ có thể tiết kiệm tới 15% năng lượng.

Vũ khí hóa côn trùng?

Một dự án nổi bật khác của DARPA là chế tạo chi giả với đầy đủ chuyển động y như chi thật. Đáng chú ý là phát minh cánh tay giả có thể được điều khiển bằng suy nghĩ của người sử dụng hoặc bàn tay robot có khả năng nhặt và giữ vật nặng. Các loại chi giả khác có thể cung cấp một loạt chuyển động tự nhiên được điều khiển thông qua các cảm biến được đặt trên cơ thể họ. 

Dù vậy, đã xuất hiện nhận định DARPA đang có ý định phát triển loại tay chân giả tinh vi hơn, có thể trang bị cho binh sĩ robot và các cỗ máy chiến tranh khác. Giới chức DARPA dĩ nhiên bác bỏ cáo buộc này khi khẳng định chính phủ Mỹ áp đặt giới hạn đối với quyền hạn của DARPA trong việc phát triển robot sát thủ hoặc "siêu nhân".

Tham vọng của cơ quan tuyệt mật Mỹ - Ảnh 2.

DARPA tài trợ cho dự án chế tạo cánh tay giả được điều khiển bằng suy nghĩ của Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng thuộc Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ) Ảnh: TRƯỜNG ĐH JOHNS HOPKINS

Một trong những dự án gây tranh cãi nhất của DARPA thời gian gần đây gọi là "Insect Allies", tạm dịch "Đồng minh côn trùng" với mục đích ngăn côn trùng trở thành sâu bệnh và khai thác sức mạnh của chúng. Ý tưởng ở đây là biến các loài côn trùng nhất định thành "lực lượng" bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm của đất nước trước các mối đe dọa từ hạn hán, bệnh cây trồng và khủng bố sinh học.

DARPA muốn đạt được điều này bằng cách cố tình lây nhiễm côn trùng với virus được chỉnh sửa gien. Virus này sau đó được truyền cho cây trồng, giúp chúng chống lại các cuộc tấn công sinh học hiệu quả hơn. Tuy nhiên, với một số người, ý tưởng sử dụng côn trùng như một công cụ nông nghiệp ẩn chứa không ít rủi ro. Ông Blake Bextine, người điều hành dự án, thừa nhận với tờ The Washington Post rằng những công nghệ mới liên quan về lý thuyết có thể được sử dụng như một vũ khí mới (như sử dụng côn trùng bị nhiễm bệnh để làm tê liệt cây trồng của đối thủ). Dù vậy, ông này trấn an công chúng và cộng đồng quốc tế không cần quá lo bởi hầu như công nghệ mới nào cũng đều có khả năng được vũ khí hóa.

Một trong những mối quan tâm lớn của DARPA là thế giới đầy thách thức của trí tuệ nhân tạo (AI) - những máy tính thông minh có khả năng suy nghĩ theo cách tương tự con người. Ông Steven Walker, Giám đốc DARPA, đang cho đầu tư 2 tỉ USD cho nỗ lực dạy máy móc giao tiếp và suy luận như con người. Mục đích là tạo ra loại máy tính quân sự nhanh như chớp, có thể thích ứng với các tình huống mới, phân tích dữ liệu chiến trường và cuối cùng là tư vấn cho các binh sĩ và nhà hoạch định trong lúc xảy ra xung đột, nơi mỗi giây đều có giá trị.

Dù vậy, theo báo The Sun (Anh), không ít ý kiến lo ngại việc chuyển hoạt động phân tích quân sự sang cho máy móc có nguy cơ tạo ra một cỗ máy tính biết khai thác kiến thức và sức mạnh có được để chống lại con người. "Có rất nhiều mối quan ngại về sự an toàn của AI - các thuật toán không thể thích ứng với thực tế phức tạp và do đó vận hành trục trặc theo những cách không thể đoán trước" - ông Michael Horowitz, chuyên gia về AI tại Trường ĐH Pennsylvania (Mỹ), cảnh báo.

Một số nghiên cứu quân sự đáng kinh ngạc nhất của DARPA xoay quanh tâm trí con người - được xem là thứ vũ khí chết chóc nhất. Trong thời gian ông Justin Sanchez đứng đầu Văn phòng Công nghệ Sinh học tại DARPA, cơ quan này đã tài trợ cho thí nghiệm cấy các điện cực vào não nhằm cải thiện trí nhớ con người tại các trường đại học Wake Forest, Nam California và Pennsylvania. Tuy nhiên, không ít người chất vấn về thí nghiệm loại này, trong đó có cả ông Doug Weber, một cựu quản lý chương trình tại DARPA. Chuyên gia này giải thích rằng điện cực được cấy vào não sau đó chắc chắn bị hư hỏng sau vài tháng hoặc vài năm, chủ yếu do rò rỉ máu. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo