Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch thử nghiệm vắc-xin phòng bệnh Covid-19 quy mô lớn trong nỗ lực có được một sản phẩm hiệu quả và an toàn vào cuối năm 2020.
Theo kế hoạch, chương trình thử nghiệm nói trên sẽ được khởi động vào tháng 7. Các nhà khoa học tham gia cho biết những vắc-xin ứng viên nào được xem là an toàn trong các cuộc thử nghiệm nhỏ sẽ được cho thử nghiệm trên người ở quy mô lớn hơn. Bà Larry Corey, chuyên gia về vắc-xin tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson ở TP Seattle, tiết lộ với Reuters rằng khoảng 100.000 - 150.000 người tình nguyện dự kiến tham gia các cuộc thử nghiệm của khoảng 6 loại vắc-xin hứa hẹn nhất.
Trước mắt, loại vắc-xin do Công ty Công nghệ sinh học Moderna Therapeutics và Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) bắt tay phát triển dự kiến là ứng viên đầu tiên được đưa vào thử nghiệm trên khoảng 20.000 - 30.000 người. Một cái tên sáng giá khác là vắc-xin của Trường ĐH Oxford và Công ty AstraZeneca Plc ở Anh. Chính phủ Mỹ hôm 21-5 cho biết sẽ chi 1,2 tỉ USD để mua 300 triệu liều vắc-xin của Trường ĐH Oxford. Ngoài ra, ông Francis Collins, Giám đốc NIH, cho biết vắc-xin của một số tên tuổi như Johnson & Johnson, Sanofi, Merck & Co đang đi sau các ứng viên sáng giá từ 1-2 tháng và có thể được bổ sung vào chương trình thử nghiệm nói trên trong thời gian tới.
Loại vắc-xin Covid-19 do Công ty Moderna và Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) hợp tác phát triển dự kiến được đưa vào thử nghiệm quy mô lớn tại Mỹ trong tháng 7 Ảnh: BOSTON GLOBE
Nỗ lực phát triển và thử nghiệm vắc-xin thường kéo dài nhiều năm, trải qua các bước như thử trên một nhóm người nhỏ rồi mới mở rộng ra hàng ngàn người. Cuối cùng, sau khi vắc-xin chứng tỏ an toàn, các nhà phát triển mới cam kết sản xuất nó với số lượng hàng triệu liều. Tuy nhiên, do mối đe dọa lớn từ đại dịch Covid-19 đang khiến hơn 5,3 triệu người mắc bệnh, 340.000 người tử vong và tàn phá nhiều nền kinh tế, tiến trình nói trên đang được rút ngắn và đẩy nhanh. Để chinh phục mục tiêu đầy tham vọng này, các nhà sản xuất vắc-xin hàng đầu đã đồng ý chia sẻ dữ liệu nghiên cứu.
Tham vọng trên cũng phù hợp với chiến dịch được Nhà Trắng công bố vào tuần rồi nhằm phát triển và phân phối vắc-xin phòng Covid-19 trong thời gian nhanh nhất. Chính phủ Mỹ cũng cam kết chi nhiều tỉ USD để hỗ trợ việc sản xuất vắc-xin Covid-19.
Để có câu trả lời nhanh nhất, theo ông Collins, các vắc-xin sẽ được thử nghiệm trên nhân viên y tế và tại những cộng đồng nơi virus SARS-CoV-2 (gây Covid-19) vẫn đang lây lan để biết được liệu chúng có giúp giảm bớt số ca mới hay không. Thủ đô Washington của Mỹ, nơi dịch chưa đạt đỉnh, có thể là một địa điểm thử nghiệm. Ngoài ra, các cuộc thử nghiệm có thể diễn ra ở bên ngoài nước Mỹ, như tại châu Phi, nơi dịch bệnh bắt đầu lây lan mạnh.
Dĩ nhiên là vẫn còn đó nỗi lo về các vấn đề an toàn, như bảo đảm vắc-xin không có tác dụng phụ nguy hiểm. Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters/Công ty Ipsos cho thấy người Mỹ đang lo ngại về tiến độ phát triển vắc-xin Covid-19 nhanh như hiện nay. Dù vậy, ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia thuộc NIH, hy vọng một vắc-xin như thế sẽ có vào tháng 12-2020 hoặc tháng 1-2021 nếu mọi chuyện thuận lợi.
Thông tin trên được tiết lộ giữa lúc cuộc đua phát triển vắc-xin Covid-19 đang nóng lên từng ngày trên thế giới với sự đầu tư mạnh mẽ của các chính phủ, tổ chức từ thiện và đại gia dược phẩm. Giữa họ có sự đồng thuận rằng cần chấp nhận rủi ro để bảo đảm vắc-xin không chỉ được bào chế nhanh chóng mà còn sẵn sàng được phân phối ngay khi được phê chuẩn. Liên minh Sáng kiến phòng chống dịch bệnh (CEPI) đã ghi nhận ít nhất 115 sáng kiến vắc-xin Covid-19 trên thế giới. Mục tiêu đề ra lúc này là một vắc-xin có thể sử dụng được trong vòng 12-18 tháng với quy mô lên đến hàng trăm triệu liều.
Nam Mỹ thành tâm dịch Covid-19 mới
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 22-5 đánh giá Nam Mỹ đã trở thành tâm điểm mới của dịch Covid-19 sau khi nhiều quốc gia tại đây có số lượng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng đáng kể. Trong số này, Brazil hiện là nước bị ảnh hưởng nặng nhất với ít nhất 21.116 trường hợp tử vong và 332.382 ca nhiễm, theo thống kê của trang worldometers.info. Brazil hiện đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm, sau Mỹ và Nga.
Cũng theo WHO, châu Phi là một điểm nóng khác về Covid-19 sau khi dịch bệnh này đã lan rộng đến mọi quốc gia tại đó kể từ khi trường hợp đầu tiên được xác nhận cách đây 14 tuần. Tính đến ngày 22-5, số ca Covid-19 tại châu lục này vượt mốc 100.000, trong lúc số trường hợp tử vong là gần 3.100. Các nước Bắc Phi có số người tử vong cao nhất, đứng đầu là Ai Cập (707 ca tử vong/15.786 ca nhiễm) và Algeria (582 ca tử vong /7.918 ca nhiễm). Theo WHO, dịch Covid-19 vẫn là "mối đe dọa lớn" đối với châu Phi dù số trường hợp tử vong vì bệnh này không cao như một số nơi khác trên thế giới.
Riêng Trung Quốc hôm 23-5 thông báo không có ca nhiễm mới nào được ghi nhận một ngày trước đó, lần đầu tiên kể từ khi dữ liệu này được công bố hồi tháng 1 năm nay. Dịch Covid-19 khởi phát tại nước này vào cuối tháng 12-2019 và hiện khiến 4.634 người tử vong và 82.971 người nhiễm bệnh.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)