NOAA hôm 13-2 cho biết nhiệt độ bề mặt đất liền và đại dương toàn cầu trong tháng 1 vừa qua đã vượt qua nhiệt độ trung bình của tháng 1 trong thế kỷ XX là 1,14 độ C, đồng thời phá kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 1-2016. Những ghi nhận mới nêu bật mối lo ngại về biến đổi khí hậu trong bối cảnh trái đất nóng lên với tốc độ nhanh chóng.
Nhiệt độ phần lớn nước Nga, nhiều khu vực của vùng Bắc Âu và miền Ðông Canada cao hơn nhiệt độ trung bình từ 9 độ C. Lượng băng tại Bắc Cực trong tháng 1 giảm hơn so với mức trung bình của giai đoạn từ năm 1981-2010 là 5,3% trong khi diện tích băng bao phủ tại Nam Cực trong cùng kỳ thấp hơn 9,8% so với mức trung bình.
Nam cực lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận nhiệt độ hơn 20 độ C. Ảnh: TREVOR HUGHES
Trong khi đó, Nam Cực lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận nhiệt độ hơn 20 độ C gây ra lo ngại về sự bất ổn của khí hậu tại kho băng lớn nhất thế giới. Các nhà khoa học Brazil đã ghi nhận nhiệt độ tại đảo Seymour là 20,75 độ C vào ngày 9-2, cao gần một độ so với mức kỷ lục trước đó là 19,8 độ C từng đo được trên đảo Signy vào tháng 1-1982.
Theo tờ Guardian (Anh), những số liệu này sẽ cần được Tổ chức Khí tượng thế giới xác nhận nhưng chúng phù hợp với xu hướng nhiệt trên bán đảo và các đảo lân cận. Khu vực này đã nóng lên gần 3 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, một trong những mức tăng nhanh nhất trên trái đất. Các nhà khoa học, những người thu thập dữ liệu từ các trạm giám sát từ xa mỗi 3 ngày, cảnh báo kỷ lục mới này là "đáng kinh ngạc và bất thường".
Bình luận (0)