Dư luận thế giới đặc biệt chú ý đến sự kiện ông Bạc Hy Lai bị cách chức bí thư thành ủy Trùng Khánh hôm 15-3. Đài CNN nhận định đây là xì-căng-đan chính trị nhạy cảm nhất đã xảy ra với Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) trong mấy năm gần đây.
Là con trai một cựu binh cách mạng và là một quan chức có lý lịch cá nhân vững chắc, ông Bạc từng được xem là một ứng viên nặng ký có thể được đề cử vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị của đảng.
Chính khách nổi bật
Có sức lôi cuốn quần chúng, ông Bạc là một chính khách TQ hiếm hoi đã xây dựng được nền tảng ủng hộ của nhân dân. Ảnh hưởng về chính trị của ông bao gồm cả sự ủng hộ mà ông được thừa hưởng từ người cha, một vị anh hùng của cuộc cách mạng 1949. Bản thân ông ta cũng đã công khai vận động giành một ghế tại Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 9 người.
Bạc Hy Lai tại Đại lễ đường ở Bắc Kinh trước khi bị cách chức. Ảnh: CNN
Wenran Jiang, giáo sư Trường Đại học Alberta và là bạn học cũ của ông Bạc tại Trường Đại học Bắc Kinh, nhận xét: “Ông ta là một nhà thương thuyết cứng rắn và có hiệu quả trong việc bảo vệ chính sách thương mại toàn cầu và quyền lợi của TQ”. Theo giáo sư Jiang, ông Bạc đã nổi lên như một chính khách năng động nhất của TQ trong mấy thập kỷ qua.
Wenfang Tang, giáo sư khoa học chính trị tại Trường Đại học Iowa, cũng là bạn học của ông Bạc tại Trường Đại học Bắc Kinh cuối thập kỷ 1970, thừa nhận: “Bạc là một nhà lãnh đạo được ưa thích. Thế nhưng, ông đã thể hiện quá nhiều cá tính và uy tín cá nhân trong một nền văn hóa chính trị vốn nhấn mạnh đến sự lãnh đạo tập thể”.
Theo báo The New York Times, một số nhà phân tích cho rằng vụ cách chức Bạc Hy Lai có thể báo trước một loại hình đấu tranh nội bộ chưa từng thấy kể từ khi xảy ra vụ Thiên An Môn.
Một nhà báo (giấu tên) làm việc cho một kênh tin tức của Đảng Cộng sản TQ khẳng định: “Vấn đề cơ bản của ông Bạc là ông ta không hoạt động theo các thói quen đã được xác lập của đảng. Cách làm việc của ông ta làm người ta sợ”.
Lãnh đạo không hài lòng
Trong khi đó, theo báo The Washington Post, vụ cách chức Bạc Hy Lai được các nhà quan sát xem là chiến thắng của các nhà cải cách TQ và là thất bại nhức nhối đối với những ai được gọi là cánh tả mới mà ông Bạc nổi lên như một chiến sĩ đấu tranh cho quan điểm đó.
Jiang Weiping, nhà báo TQ từng bị tù 5 năm sau khi viết bài cáo buộc ông Bạc che chở các giới chức tham nhũng trong thập niên 1990, nhấn mạnh rằng vụ cách chức vừa qua đánh dấu chiến thắng tuyệt đối của các giới chức có quan điểm hiện đại sau một cuộc chiến gay go giữa các phe phái.
Trong thời gian ông Bạc ở Trùng Khánh, cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đều không đến thành phố 32 triệu dân này. Các nhà phân tích cho rằng điều đó phản ánh thái độ không hài lòng với đường lối cánh tả mới của Bạc. Điều thú vị là Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến Trùng Khánh.
Tháng 12-2010, ông đã hết lời khen ngợi mô hình an sinh xã hội và chiến dịch “phục hồi tinh thần đỏ” của ông Bạc. Tuy nhiên, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng viết rằng ông Bạc đã từng gây tranh cãi, đặc biệt sau khi chuyển đến Trùng Khánh, nơi ông ta lao vào chiến dịch tuyên truyền quay trở lại lý tưởng Mao Trạch Đông.
Theo đài BBC, thời gian Bạc Hy Lai ở Bắc Kinh được đánh giá là thành công. Thế nhưng, khi đó đã có những dấu hiệu cho thấy lối sống và tham vọng của ông ta làm cho các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản TQ không thoải mái. Thậm chí đã có suy đoán rằng việc ông ta được cử làm bí thư thành ủy Trùng Khánh là để đẩy ông ta ra xa trung tâm quyền lực.
Xa hoa
Có lần, một giới chức cao cấp nhận xét: “Ông Bạc luôn luôn rất thanh lịch”. Thế nhưng, điều đó lại không giống như một lời khen mà mang ý nghĩa rằng ông ta có thể thụ hưởng lối sống cực kỳ xa hoa mà không bị can thiệp. Con trai ông ta đã học ở Harrow, trường công lập nổi tiếng ở Anh, sau đó là Đại học Oxford và Harvard lừng danh. |
Bình luận (0)