Trong những vụ xảy ra vào các ngày 7, 8 và 9-1 kể trên, vụ Tòa soạn báo Charlie Hebdo và siêu thị Hyper Cacher bị các phần tử Hồi giáo cực đoan tấn công là nghiêm trọng, đẫm máu nhất. Vụ Charlie Hebdo với 12 người chết gợi nhớ sự kiện 11-9-2001 ở Mỹ, còn vụ ở siêu thị khiến 4 con tin thiệt mạng. Hầu hết thủ phạm gây ra 2 vụ án này - được cho là thành viên mạng lưới Al-Qaeda ở Yemen và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - đã bị lực lượng chống khủng bố Pháp tiêu diệt.
Báo thù cho “thiên sứ”
Thời điểm tấn công vào Tòa soạn Charlie Hebdo, vốn được lực lượng an ninh bảo vệ 24/24 giờ, đã được tính toán kỹ. Cách thức tấn công cho thấy các sát thủ thuần thục kỹ năng chiến đấu và giết người không gớm tay.
11 giờ 30 phút ngày 7-1, 2 tên mặc đồ đen, đầu trùm mặt nạ len, trang bị súng AK bất ngờ đột nhập Tòa soạn Charlie Hebdo ở số 10 Nicolas-Appert, quận 11, TP Paris. Lúc đó, toàn bộ tòa soạn có mặt đầy đủ chuẩn bị giao ban hằng tuần.
Trong vòng vài phút, chúng bắn chết 11 người, gồm 8 nhà báo và 3 họa sĩ biếm nổi danh. Trên đường rút lui, chúng hét to bằng tiếng Ả Rập: “Allahou Akbar” (Thượng đế vĩ đại) và bằng tiếng Pháp: “Thiên sứ đã được báo thù”, đồng thời bắn chết một viên cảnh sát 42 tuổi trước khi thoát thân trên chiếc xe hơi của đồng bọn.
Tháng 9-2012, nhân sự kiện phim Intouchables của Pháp, rất ăn khách nhưng gây tranh cãi, thuật lại câu chuyện cảm động đưa 2 nhân vật đối nghịch - một người giàu có, trí thức thuộc tầng lớp thượng lưu bị liệt chân phải ngồi xe lăn và một người nghèo, cộc cằn, ít học, da đen thuộc thành phần dưới đáy xã hội - xích lại gần nhau, Charlie Hebdo đăng trên trang nhất biếm họa thầy tế Hồi giáo ngồi xe lăn. Người đẩy xe là một giáo trưởng Do Thái. Ở trang cuối, trong chuyên mục hằng tuần, tờ báo còn đăng biếm họa thiên sứ Mohamet (giáo chủ Hồi giáo, theo tiếng Pháp) khỏa thân với một tư thế khó coi.
Hai bức tranh châm biếm này lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội khiến nhà chức trách Pháp lo ngại. Bởi lúc đó, trailer phim Sự ngây thơ của tín đồ Hồi giáo chế giễu đạo Hồi phát tán trên YouTube đang kích động nhiều cuộc biểu tình rầm rộ chống Mỹ và âm mưu tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Libya. Paris sợ Pháp cũng bị tấn công.
Đó không phải lần đầu Charlie Hebdo đăng biếm họa về giáo chủ đạo Hồi. Năm 2006, báo này từng đăng lại biếm hóa chế giễu thiên sứ của tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten khiến thế giới Hồi giáo căm phẫn trước đó một năm. Kèm theo là 11 trang đăng các bài báo khẳng định: “Lịch sử chứng minh rằng tự do ngôn luận mạnh hơn những lời đe dọa”. Hành động này khiến hàng ngàn tín đồ Hồi giáo xuống đường ở Paris và Strasbourg biểu tình chống Charlie Hebdo.
Nhiều tổ chức Hồi giáo, trong đó có Hội đồng Hồi giáo Pháp, yêu cầu nhà chức trách cấm phát hành số báo nêu trên vì mấy bức biếm họa thể hiện “sự lăng nhục chủng tộc và tôn giáo”. Yêu cầu không được giải quyết, tờ Charlie Hebdo “số đặc biệt” bán được 400.000 tờ, gấp 5 lần bình thường.
Không chịu thua, Hội đồng Hồi giáo Pháp lôi Charlie Hebdo ra tòa năm 2007. Tuy nhiên, vụ kiện thất bại vì tờ báo được ông Nicolas Sarkozy, Bộ trưởng Nội vụ và Francois Hollande, Bí thư Thứ nhất Đảng Xã hội lúc bấy giờ, ủng hộ triệt để.
Không ngán châm thêm dầu vào lửa
Tháng 11-2011, để “ăn mừng” sự kiện Đảng Hồi giáo Ennahda thắng cử ở Tunisia và Lybia tuyên bố sẽ dùng Charia (luật Hồi giáo) làm nền tảng xây dựng luật pháp, Charlie Hebdo quảng cáo sẽ ra số đặc biệt cải tên là Charia Hebdo, tên tổng biên tập được đổi thành Mohamet, hứa hẹn với độc giả “nếu không chết cười sẽ tự nhận hình phạt 100 gậy”.
Lần này thì tín đồ Hồi giáo quá khích không nhẫn nhịn nữa. Tòa soạn báo lúc đó ở quận 20, TP Paris bị một nhóm người lạ mặt tấn công bằng bom xăng cháy rụi. Vài giờ sau, trang mạng của tờ báo cũng bị tin tặc tấn công. Trên trang chủ Charlie Hebdo xuất hiện ảnh thánh địa Mecca kèm theo câu “Không có thượng đế nào khác ngoài Allah”.
Từ đó, Tòa soạn Charlie Hebdo được cảnh sát bảo vệ thường xuyên nhưng tờ báo vẫn không từ bỏ chủ trương đăng hình ảnh biếm họa giáo chủ Mohamet. Việc này không được Chính phủ Pháp đồng tình. Ngoại trưởng Pháp lúc bấy giờ là Laurent Fabius nhận định: “Tôi phản đối vì không thấy có lợi ích gì khi khiêu khích (Hồi giáo)”. Thủ tướng Jean-Marc Ayraud cũng kêu gọi Charlie Hebdo “thể hiện tinh thần trách nhiệm cá nhân”.
Trong khi Charlie Hebdo được yêu cầu không châm thêm dầu vào lửa, tòa soạn vẫn kiên định với lập trường chống các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Đáp lại, năm 2013, Inspire - báo mạng của Al-Qaeda - điền tên họa sĩ biếm Charb vào danh sách 9 người cần tiêu diệt vì dám báng bổ đạo Hồi. Tuy nhiên, không ai trong tòa soạn chùn bước.
Vài tháng gần đây, theo nhận xét của nhật báo Le Monde, dưới sự bảo vệ của lực lượng an ninh chống khủng bố, Ban Biên tập Charlie Hebdo có phần nào khinh địch vì sau khi phát hành 2 số báo đặc biệt về cuộc đời thiên sứ Mohamet mà không gặp phản ứng nào đáng kể dù một số nguồn tin an ninh đã cảnh báo số lời đe dọa sinh mạng họa sĩ Charb tăng bất thường.
Thà chết đứng hơn sống quỳ
Stéphane Charbonnier, năm nay 47 tuổi, mê vẽ hơn mê học từ năm cấp ba nhưng tự học là chính. 25 tuổi, Stéphane khởi đầu sự nghiệp biếm họa với bút danh Charb tại La Grosse Bertha, tuần báo trào phúng mà ông là người đồng sáng lập. Năm 2009, ông về làm việc tại báo Charlie Hebdo, cùng các họa sĩ biếm nổi tiếng như Cabu, Wolinski dùng tiếng cười châm chọc để bảo vệ con người và những giá trị phổ quát.
Dù tòa soạn bị đốt năm 2011 nhưng đến tháng 9-2012, Charlie Hebdo tiếp tục đăng nhiều tranh biếm họa chế giễu giáo chủ Hồi giáo. Trả lời thắc mắc “không sợ bị trả thù hay sao?”, ông Stéphane trả lời trên tờ Le Monde: “Tôi không vợ, không con, không có xe hơi và thẻ tín dụng. Có thể tôi hơi lộng ngôn khi nói câu này: Tôi thà chết đứng còn hơn sống quỳ!”.
Kỳ tới: Chân dung sát thủ
Bình luận (0)