Để biện minh cho những sắc lệnh hành pháp bãi bỏ các chính sách bảo vệ con người khỏi tình trạng biến đổi khí hậu, những điều kiện lao động nguy hiểm, sự ngược đãi liên quan tới tôn giáo…, Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cho rằng mình "đã thừa hưởng một mớ hỗn độn", công ăn việc làm "lũ lượt chạy ra khỏi đất nước" và các quy định, luật lệ đang "nghiền nát nền kinh tế của chúng ta".
Đó là những lời lẽ đáng để mổ xẻ. Hãy nhìn vào bang California - chiếm 1/8 dân số Mỹ với 39 triệu người và đóng góp 1/7 tổng sản phẩm quốc nội. Không phải là "mớ hỗn độn", nền kinh tế California đang lớn mạnh hơn bao giờ hết và đã giành vị trí thứ 5 thế giới của nước Anh - theo số liệu thống kê chính thức năm 2016.
Bang California là lý do chủ yếu giúp Mỹ là nền kinh tế phát triển duy nhất đạt tăng trưởng GDP kỷ lục kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc suy thoái toàn cầu sau đó. Phần nhiều sự tăng trưởng này có thể lần theo dấu vết tới những luật lệ ở California về thúc đẩy năng lượng sạch, trách nhiệm chính quyền và bảo vệ người chưa có giấy tờ hợp pháp. Thống đốc Jerry Brown, hiện trong nhiệm kỳ thứ 4, luôn coi người nhập cư là lý do chính cho sự thành công của bang.
Người biểu tình tập trung ở TP Sacramento, bang California - Mỹ hôm 29-3 để phản đối Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions công kích bang này là "tiểu bang trú ẩn" Ảnh: THE CHRONICLE
Trên các thị trường chứng khoán và trái phiếu, màn trình diễn của bang California cũng tốt hơn phần còn lại của nước Mỹ trong 5 năm qua, đặc biệt là từ cuộc bầu cử tổng thống hôm 9-11-2016. Giới đầu tư đang cảm thấy an toàn ở bang có chính sách bảo vệ người nhập cư nhiều hơn và nhiều luật lệ hơn. Không có bang nào (của nước Mỹ) hoặc quốc gia nào ban hành nhiều luật lệ hạn chế nhiên liệu hóa thạch và carbon trong lúc thúc đẩy năng lượng sạch như California. Những chính sách đó đang được trả công xứng đáng trên thị trường chứng khoán.
Doanh thu hằng năm của các công ty năng lượng sạch ở California tăng trưởng 26%, gần gấp 3 lần so với mức tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp ở California còn chi 13% doanh thu cho nghiên cứu và phát triển so với mức tiêu chuẩn 8%. Năm ngoái, số lượng việc làm tại các công ty năng lượng sạch ở bang này cũng tăng 14%, gấp đôi mức trung bình của ngành công nghiệp.
Tesla Inc., nhà sản xuất các phương tiện chạy bằng điện có trụ sở ở TP Palo Alto, đã tăng giá (cổ phiếu) 60% kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm 2016 và đang đạt giá trị hơn 50 tỉ USD, cao hơn giá trị vốn hóa thị trường của hãng xe Ford Motor Co. (45 tỉ USD) và gần như tương đương với General Motors Co.
Thống đốc Brown gần đây cho biết California đã đặt mục tiêu sản xuất 1,5 triệu xe điện vào năm 2025 và cần nhiều nỗ lực để đạt được mục tiêu thách thức này. Ông cũng tuyên bố rằng cho dù ông Trump nói gì thì Trung Quốc, thế giới, các nhà khoa học và tất cả nước lớn đều đã công nhận biến đổi khí hậu là có thật.
Bùng nổ năng lượng sạch do công nghệ thúc đẩy chính là lý do các doanh nghiệp ở California đang ở vị trí hàng đầu ở Mỹ. 467 công ty ở bang này trong chỉ số Russell 3.000 (dùng để đo hoạt động của 3.000 công ty đại chúng lớn nhất Mỹ tính theo tổng vốn hóa thị trường) đạt tổng lợi nhuận 185% từ năm 2012, dễ dàng vượt qua mức chuẩn 94% của chỉ số này.
Phía sau viễn cảnh dễ chịu như vậy là tính đa dạng của kinh tế California vốn tăng trưởng 42,3 tỉ USD trong 3 quý đầu tiên của năm 2017. Con số này gần tương đương với 2 bang tăng trưởng nhanh nhất tiếp sau đó cộng lại, là New York và Florida. Tổng doanh thu từ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và săn bắt tại California đạt 39 tỉ USD năm 2015, bên cạnh 279 tỉ USD từ sản xuất. Doanh thu 12 tháng từ các công ty công nghệ của bang lên tới 720 tỉ USD, hay chiếm 54% nền công nghiệp Mỹ.
Những con số trên giúp giải thích thu nhập bình quân đầu người của California tăng 9,5% từ năm 2015, cao nhất so với bất cứ bang nào khác. Chẳng những không để việc làm "chạy" ra nước ngoài, California còn tiếp tục tạo nhiều việc làm với tỉ lệ thất nghiệp xuống còn 4,9%, so với mức 5,7% năm 2016, nhanh hơn mức bình quân của cả nước.
Cư dân California tỏ ra tự hào với việc thực thi những chính sách trái ý Tổng thống Trump. Cơ quan lập pháp bang này là nơi đầu tiên bỏ phiếu để trở thành một bang trú ẩn (bảo vệ người nhập cư không có giấy tờ), ủng hộ tăng thuế gas cũng như phí đăng ký phương tiện để cải thiện hạ tầng.
Trong khi ông Trump đang nhận được tỉ lệ ủng hộ thấp nhất so với bất cứ tổng thống mới nào sau 100 ngày nhậm chức; còn quốc hội do phe Cộng hòa chiếm đa số thậm chí ảm đạm hơn, không khí chính trường California lại có phần đối lập. Một cuộc khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu chính phủ thuộc Trường ĐH California ở Berkeley cho thấy 57% cử tri đăng ký tại bang này hài lòng với hoạt động của cơ quan lập pháp địa phương. Bản thân ông Brown nhận được tỉ lệ ủng hộ 61%.
Nếu đây là một "mớ hỗn độn", Tổng thống Trump chỉ có thể hy vọng có thêm nhiều hơn thế.
Bình luận (0)