Ảnh: CHIANGRAI TIMES
Sa chân vào cạm bẫy
Mặc dù tăng trưởng kinh tế ổn định nhưng nhiều người Campuchia, đặc biệt là lớp trẻ, vẫn phải vật lộn để tìm việc làm. Vì vậy, ngày càng đông thanh niên Campuchia tìm đủ mọi cách để ra nước ngoài mưu sinh. Thống kê mới nhất của chính phủ Campuchia cho thấy số lượng người đi xuất khẩu lao động hợp pháp tăng gấp đôi trong vài năm qua, từ 53.160 người trong năm 2009-2010 lên 130.000 người vào năm 2012.
Thái Lan lâu nay là một trong những điểm dừng chân được lao động Campuchia ưa chuộng nhất, theo sau là Malaysia và Hàn Quốc. Ước tính có khoảng 500.000 thanh niên Campuchia đang làm việc tại Thái Lan. Con số này tăng đều đặn do chính phủ Thái Lan đưa ra mức lương tối thiểu mới là 10 USD/ngày, nhiều hơn so với thu nhập 4,5 USD/ngày đối với người lao động không có tay nghề ở Campuchia.
Mối quan tâm lớn hiện nay là phần lớn lao động trẻ "xuất ngoại" qua các kênh không chính thống. Chi phí thấp nhưng chu trình nhanh hơn so với các công ty xuất khẩu lao động được Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia cấp phép là lợi thế của các kênh "lậu" nhưng đổi lại là nhiều ẩn họa. Một số báo cáo cho thấy nhiều lao động Campuchia sang Thái Lan đánh bắt cá đã trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Đơn cử, trong năm 2011 và 2012, Tổ chức Di cư Quốc tế đã giải cứu hơn 100 nam thanh niên Campuchia, đa số làm việc trên các tàu cá Thái Lan. Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập đến nạn lạm dụng đối với phụ nữ Campuchia đi giúp việc nhà tại Malaysia.
Nâng cao nhận thức
Bất chấp nỗ lực của chính phủ, đại bộ phận lao động trong độ tuổi 15-30 (chiếm khoảng 32% dân số Campuchia) vẫn còn mơ hồ về những nguy cơ cũng như biện pháp tự bảo vệ của bản thân. Do đó, kể từ tháng 6-2012, Quỹ châu Á phối hợp với Ủy ban Quốc gia về ngăn chặn nạn buôn người, buôn lậu, bóc lột lao động và tình dục cùng Hội Thanh niên Campuchia thực hiện sáng kiến giúp trang bị cho lao động trẻ ở tỉnh Siem Reap và Prey Veng kiến thức trong việc ra nước ngoài làm việc.
Theo ông Lim Siv Hong, chuyên viên thuộc Quỹ châu Á tại Campuchia, một trong những cách tốt nhất để giữ chân người lao động là chính phủ Campuchia nên áp dụng mức lương tối thiểu tương tự Thái Lan, đồng thời đưa ra các phúc lợi mang tính cạnh tranh. Campuchia là một nước nông nghiệp với 75% dân số là nông dân. Vì vậy, việc cải thiện hệ thống thủy lợi nhằm giúp nông dân trồng lúa đạt 2 vụ/năm sẽ thu hút lao động tiếp tục canh tác. Chính phủ Campuchia đã đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo vào năm 2015 với tham vọng trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, ước mơ trên đang bị đe dọa bởi lực lượng lao động "chảy" ra nước ngoài càng nhiều dẫn đến thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng.
Để ứng phó với tổn thất nguồn lao động ngày càng tăng, chính phủ Campuchia bước đầu cải thiện điều kiện làm việc trong nước, quỹ an sinh xã hội… Ngoài ra, kể từ tháng 5 vừa qua, lương tối thiểu hằng tháng đã được tăng từ 61 USD lên 80 USD. Đồng thời, chính phủ cũng đang xem xét thực hiện chương trình bảo hiểm y tế và các quỹ lương hưu cho người lao động vào năm 2015.
Bình luận (0)