Đài CNN hôm 30-5 cho biết 681 người bị phát hiện dương tính với HIV ở TP Ratodero trong vòng 2 tháng qua. Thành phố này là nơi sinh sống của 330.000 cư dân, thuộc tỉnh Sindh, Đông Nam Pakistan.
Theo bác sĩ Ramesh Lal Shetiya – người làm việc tại một bệnh viện ở ngôi làng Allah Dino Seelro, ít nhất 21 người tại đây đã bị chẩn đoán nhiễm HIV trong tháng qua, bao gồm 17 đứa trẻ. Do trình độ hiểu biết thấp và ít được giáo dục về HIV nên nhiều người không hiểu họ lây nhiễm như thế nào.
Nỗi lo ngại về việc bùng phát HIV bắt đầu từ tháng 4 năm nay sau khi bác sĩ Imran Arbani – chủ một phòng khám tư ở TP Ratodero, nhận thấy số vụ nhiễm HIV tăng đột biến. Điều này dẫn đến các bệnh viện và trung tâm y tế của tỉnh Sindh bị quá tải.
Bùng phát HIV ở tỉnh Sindh được xem là không bình thường vì nó chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em. Ảnh: CNN
Vào cuối tháng 4, bác sĩ Muzaffar Ghanghro ở TP Ratodero bị bắt giữ vì liên quan đến cuộc khủng hoảng HIV, đồng thời bị buộc tội giết người. Bác sĩ này đang bị tạm giam chờ cảnh sát điều tra. Tuy nhiên, luật sư của ông Ghanghro, Athar Abbas Solangi, cho rằng thân chủ mình vô tội bởi không tìm thấy kim tiêm nhiễm bệnh tại phòng khám của ông. "Bác sĩ đã bị biến thành vật tế thần cho cuộc khủng hoảng lớn hơn trong khu vực" – luật sư Solangi cáo buộc.
Ước tính 150.000 người lớn và trẻ em ở Pakistan đang sống chung với HIV. Mặc dù vậy, sự bùng phát HIV ở tỉnh Sindh được xem là không bình thường vì nó chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em. Trước cuộc khủng hoảng HIV, có 1.200 trẻ em ở Pakistan được điều trị HIV, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Là quốc gia đông dân thứ sáu thế giới với hơn 200 triệu người, Pakistan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng HIV nghiêm trọng. Các chuyên gia đổ lỗi cho việc các bác sĩ tái sử dụng kim tiêm khiến HIV lây lan nhanh chóng.
Trợ lý của Thủ tướng Pakistan về vấn đề sức khỏe, Zafar Mirza, thừa nhận có một vấn đề lớn tồn tại ở Pakistan, đó là kim tiêm được đóng gói và bán lại. Tại các phòng khám nhỏ, một bác sĩ có thể tiếp nhận đến 200 bệnh nhân/ngày. Để tiết kiệm thời gian, họ thường tái sử dụng cùng một ống tiêm cho các bệnh nhân khác nhau.
Bà Naseem Salahuddin, người đứng đầu Khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Indus, TP Karachi, phàn nàn rằng chính phủ không đề ra biện pháp khả thi nào dù nhận được cảnh báo.
Bình luận (0)