Việc theo đuổi vũ khí hạt nhân đã định hình 10 năm cầm quyền đầu tiên của ông Kim nhưng các nhà phân tích cho rằng cũng chính mục tiêu này đã khiến Triều Tiên vẫn bị cô lập và có lẽ phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng thấy.
Theo hãng tin Reuters, ông Robert Carlin, cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hiện làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Stimson, nhận định các lệnh trừng phạt đã hạn chế mục tiêu về kinh tế của ông Kim nhưng điều đó không có nghĩa là ông không thể cải thiện kinh tế tốt hơn cho người dân so với hiện nay.
Truyền thông đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên ở Hàn Quốc hồi năm 2018. Ảnh: Reuters
Sau những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, giới tinh hoa Triều Tiên một lần nữa kêu gọi mở cửa một cách có kiểm soát nhưng những thách thức trong việc xoay chuyển tình hình quốc tế có lợi cho Triều Tiên vẫn còn là rào cản lớn hơn bao giờ hết.
Ông Christopher Green, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường ĐH Leiden (Hà Lan), nhận định nếu không có sự gia tăng lớn về nguồn vốn nước ngoài thì việc theo đuổi cải cách kinh tế gần như chắc chắn sẽ thất bại. Dưới thời ông Kim, Triều Tiên đã tiến hành 4 trong số 6 vụ thử vũ khí hạt nhân và phát triển một loạt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn tới Mỹ.
Đối với nhà lãnh đạo Kim, kho vũ khí được xem là "công cụ quan trọng" bảo vệ Triều Tiên và sự lãnh đạo của ông khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài, đồng thời nâng tầm Triều Tiên lên ngang hàng với các cường quốc hạt nhân khác. Tuy nhiên, cũng chính kho vũ khí này đã đẩy Triều Tiên đến bờ vực căng thẳng với Mỹ vào năm 2017 và thậm chí còn khiến các đối tác Trung Quốc và Nga thông qua các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng.
Chuyên gia an ninh chiến lược ở Bắc Kinh Zhao Tong cho rằng sau khi mối quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên xuống mức thấp lịch sử do Bình Nhưỡng tìm cách ưu tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, ông Kim đã nhanh chóng cải thiện mối quan hệ hai nước. Ông Zhao cho rằng Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn của Triều Tiên và ông Kim có thể sẽ tiếp tục dựa vào sự hỗ trợ từ láng giềng và một số ít các quốc gia cùng chí hướng khác.
Chuyên gia Duyeon Kim thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới có trụ sở tại Mỹ cho biết ông Kim có thể sẽ tiếp tục cứng rắn trong ngoại giao hạt nhân vì việc phát triển thêm vũ khí hạt nhân sẽ làm tăng đòn bẩy chính trị và khả năng thương lượng của ông cả trong các cuộc đàm phán và trong những lúc bế tắc ngoại giao.
Trong khi đó, ông Ramon Pacheco Pardo, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường ĐH King London, cho rằng vẫn chưa quá muộn để thực hiện những lời cam kết cải thiện cuộc sống của người dân ở Triều Tiên nếu ông Kim chấp nhận mở cửa ngoại giao.
Bình luận (0)