Sau cuộc khủng hoảng nợ của Tập đoàn Bất động sản (BĐS) China Evergrande (viết tắt là Evergrande), 2 công ty Fantasia Holdings và Sinic Holdings cũng không thể thanh toán nợ trái phiếu đúng hạn.
Theo đài CNN, Công ty BĐS Fantasia Holdings, có trụ sở tại Thâm Quyến, đã không thể trả khoản nợ trái phiếu trị giá 206 triệu USD đến hạn hôm 4-10. Trong khi đó, Công ty Quản lý BĐS Country Garden Services, tập đoàn BĐS lớn thứ 2 Trung Quốc về doanh số sau Evergrande, cũng xác nhận Fantasia Holdings đã không trả được khoản vay khoảng 700 triệu nhân dân tệ (tương đương 109 triệu USD) của công ty này.
Các tổ chức xếp hạng tín dụng S&P và Moody’s đã hạ xếp hạng đối với Fantasia Holdings, đồng thời cảnh báo nguy cơ vỡ nợ nếu công ty này không thanh toán được nợ gốc. S&P cũng hạ xếp hạng tín dụng của Sinic Holdings khi cho rằng công ty này đã gặp phải vấn đề thanh khoản nghiêm trọng và khả năng trả nợ của công ty gần như cạn kiệt.
Công trình sân vận động do Tập đoàn China Evergrande phát triển ở TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc Ảnh: REUTERS
Trong diễn biến liên quan, 2 công ty BĐS Hồng Kông (Trung Quốc) đã nộp đơn kiện Evergrande chưa thanh toán các khoản hoa hồng dự án trong bối cảnh nhà phát triển BĐS Trung Quốc này đang gấp rút bán tài sản để huy động tiền mặt và trả nợ cho các chủ nợ.
Cụ thể, Tập đoàn Centaline đã đệ đơn kiện Evergrande vào tháng 9 để thu hồi hơn 398.000 USD tiền hoa hồng quá hạn trong khi Công ty Midland Holdings đang đòi khoản hoa hồng chưa thanh toán hơn 5,5 triệu USD cho 2 dự án ở Hồng Kông.
Những diễn biến mới khiến nhiều chuyên gia và nhà đầu tư lo ngại về những khoản nợ chồng chất trong thị trường BĐS của Trung Quốc, lĩnh vực vốn chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Hai nhà kinh tế học Trung Quốc Larry Hu và Xinyu Ji tại Công ty Tài chính Macquarie Group (Úc) phân tích hôm 5-10 kịch bản vỡ nợ của Fantasia Holdings cho thấy những rắc rối của Evergrande có thể làm ảnh hưởng tới tâm lý của người mua nhà, các nhà đầu tư và ngân hàng, từ đó khiến nhiều doanh nghiệp BĐS rơi vào tình trạng cạn thanh khoản.
Doanh thu BĐS tại 30 thành phố hàng đầu của Trung Quốc đã giảm đến 31% trong tháng 9 so với một năm trước, theo ước tính của Macquarie Group. Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande đã gây bất ổn cho các nhà đầu tư toàn cầu trong những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại về hiệu ứng domino tiềm tàng đối với nền kinh tế và thị trường tài chính Trung Quốc.
Theo đài CNN, các vấn đề của Evergrande đã kéo dài hơn một năm sau khi chính quyền Bắc Kinh bắt đầu kiểm soát lĩnh vực BĐS vào tháng 8-2020 để hạn chế việc vay nợ quá mức. Từ đầu năm nay, chính phủ Trung Quốc đã khẳng định sẽ ưu tiên chính sách thịnh vượng chung và kiểm soát giá nhà tăng cao, nguyên nhân mà giới chức Trung Quốc cho là làm trầm trọng thêm bất bình đẳng thu nhập và đe dọa sự ổn định kinh tế, xã hội.
Cuộc khủng hoảng thanh khoản của Evergrande đã leo thang trong những tháng gần đây. Tập đoàn này cảnh báo các nhà đầu tư về nguy cơ vỡ nợ từ tháng 9 khi không thể huy động tiền nhanh chóng.
Ông Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics, nhận định: "Mặc dù các vấn đề của Evergrande không có khả năng gây ra cuộc khủng hoảng tương tự vụ phá sản của Ngân hàng Đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) trước đây nhưng chắc chắn sẽ làm trầm trọng tình trạng suy thoái đang diễn ra trong lĩnh vực BĐS".
Chuyên gia này cảnh báo ảnh hưởng từ thị trường BĐS Trung Quốc sẽ lan sang các lĩnh vực liên quan như thép, từ đó tác động đáng kể đến sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung.
Theo nguồn tin của Bloomberg, các nhà quản lý đã yêu cầu ngân hàng không đồng loạt cắt nguồn vốn đối với những tập đoàn địa ốc. Ông Zhou Hao, chiến lược gia thuộc chi nhánh Singapore của Công ty Tài chính Commerzbank AG (Đức), bình luận: "Các cơ quan quản lý sẽ không để một cuộc khủng hoảng tài chính hệ thống xảy ra. Đồng thời, họ vẫn trừng phạt những tập đoàn địa ốc sử dụng đòn bẩy tài chính cao".
Bình luận (0)