Người Ai Cập cổ đại tin rằng con người sinh ra trong trạng thái khỏe mạnh. Con người không thể bị bệnh hoặc chết trừ phi chịu ảnh hưởng của một tác nhân bên ngoài. Trong trường hợp bị thương hoặc trong dạ dày có giun sán, tác nhân gây bệnh có thể nhìn thấy được, các thầy thuốc Ai Cập cổ đã nghĩ ra được những cách chữa rất hữu hiệu. Tuy nhiên, vào thời đó các danh y Ai Cập chưa biết gì về vi trùng học. Bởi vậy họ ngộ nhận rằng những căn bệnh do vi trùng gây ra là do các vị thần thánh trừng phạt hoặc là do tà thuật.
Vàng phòng được bệnh ung thư vú?
Dù sự hiểu biết về nguyên nhân gây bệnh có giới hạn, học thuật của người Ai Cập cổ về cơ thể học và sinh lý học vẫn rất tiến bộ. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là nhờ những kiến thức thu lượm được trong quá trình ướp xác chết, trong khi các dân tộc khác thường thiêu xác vào thời đó.
Vào cuối triều đại của mình (năm 2184 trước công nguyên - CN), vị Pharaoh (vua Ai Cập cổ đại) trường thọ Pepy II đã tổ chức một ngày hội chữa bệnh, quy tụ về hoàng cung tất cả mọi thầy thuốc đẳng cấp cao thuộc các chuyên khoa khác nhau.
Đây là một dịp tốt để các thầy thuốc trổ hết tài chữa bệnh. Để “làm nhẹ bụng”, người ta dùng hỗn hợp sữa bò, ngũ cốc và mật ong. Để ngăn ngừa ung thư vú, người Ai Cập cổ đại đeo những đồ trang sức bằng vàng đồ sộ bởi “vàng tiêu diệt khối u ngay trước khi chúng hình thành”.
Việc chữa bệnh thời đó cũng phải trả tiền. Các thầy thuốc kiếm được nhiều tiền nhất là các thầy chuyên chữa bệnh về mắt và răng. Mắt bị nhiễm trùng được chữa trị một cách độc đáo. Sách y thuật Ai Cập cổ ghi: “Chia não người ra làm hai, trộn một phần với mật ong, đặt lên mắt vào buổi sáng, phơi khô phần còn lại, nghiền nát ra, rồi đặt lên mắt vào buổi tối”.
Những điều nêu trên được ghi chép trong cuốn chỉ thảo thư do nhà khoa học George Ebers sưu tầm được năm 1875. Tương truyền nó đã được tìm thấy giữa hai chân của một xác ướp. Đó là một cuộn giấy lớn dài hơn 20 m, rộng 30 cm, được sắp xếp theo từng phần nói về những căn bệnh chuyên biệt. Sách y thuật này chủ yếu đề cập đến những căn bệnh nội khoa, cũng như bệnh về mắt, da, tứ chi, phụ khoa và một số bệnh cần phẫu thuật. Để chữa trị những căn bệnh đó, có 877 toa thuốc và 400 loại thuốc. Ngoài ra, sách còn ghi chép lại các thuật ngữ về cơ thể học và sinh lý học.
Tỏi sống trị “quỷ cảm mạo”
Người phụ trách về báo chí của Nhà Bảo tàng Ai Cập Ibrahim Hussein quả quyết: “Tỏi sống được người Ai Cập cổ đại sử dụng một cách rất rộng rãi. Chẳng hạn, phương thuốc chữa cảm mạo còn lưu hành đến tận ngày nay - tỏi trộn mật ong - đã được bào chế ra từ thời Ai Cập cổ đại. Thời đó, người ta cho rằng “con quỷ cảm mạo” sợ tỏi và nó sẽ chạy trốn khi tỏi xuất hiện. Một điều thú vị là người Ai Cập cổ thậm chí còn có một chức vụ thầy thuốc quái dị: “Người chăn hậu môn”.
Người ta cho rằng ở triều đại Pharaoh thứ 19 (1295-1186 trước CN), ngành y học nước Ai Cập cổ đã đạt đến tuyệt đỉnh. Ngay khi thành Rome của người La Mã chưa được xây dựng xong, thì người Ai Cập đã quá quen thuộc với những khái niệm y học hiện đại như bảo hiểm y tế và thậm chí cả... giấy chứng nhận mất sức. Điều này đã được tác giả Lois N. Magner ghi rõ trong cuốn A History of Medicine (Lịch sử y khoa, xuất bản năm 1992) của mình.
Một ngày biến mất khỏi trần gian
Thế nhưng, vì sao nền y học Ai Cập cổ đại phát triển cao đến vậy và nổi danh khắp cả Đông phương một thời lại đột nhiên biến mất? Nhiều phương pháp chữa bệnh tuyệt vời đã bị thất truyền một cách đáng tiếc. Có điều gì bí ẩn trong vụ thất truyền này?
![]() |
Chỉ thảo thư |
Giáo sư Abdul-Vahid al-Masri giải thích vấn đề này như sau: Các vua chúa lân bang thường khẩn khoản yêu cầu các Pharaoh cử các thầy thuốc đến chữa bệnh cho họ. Một bức tranh tường trong một ngôi mộ thuộc triều đại thứ 18 (năm 1400 trước CN) mô tả “Nebamun”, một học giả và thầy thuốc của nhà vua, đang nhận quà tặng của hoàng tử Syria vì đã chữa bệnh cho ông.
Vua Syrus của Ba Tư cũng từng đề nghị Pharaoh cử thầy thuốc nhãn khoa giỏi nhất đến chữa mắt cho ông... Khi con trai mắc bệnh, nhà vua Ba Tư Kir II (558-529 trước CN) có lời đề nghị Ai Cập cử một thầy thuốc đến chữa trị, nhưng không hiểu sao bị Pharaoh từ chối. Thế là mối quan hệ giữa hai bên trở nên cực kỳ căng thẳng. Vị hoàng tử đó (sau này là vua Cambiz II) không quên mối hận năm xưa.
Vào năm 525 trước CN, khi xua quân tiến như vũ bão xâm chiếm kinh đô Ai Cập lúc bấy giờ là Memphis, vua Cambiz II ra lệnh chặt đầu tất cả mọi thầy thuốc Ai Cập và phóng hỏa các nơi chữa bệnh. Sau sự kiện đó, nền y học Ai Cập cổ được hình thành hàng ngàn năm đã biến mất hoàn toàn, không còn lại gì chỉ trong vòng một ngày. Mãi đến thế kỷ 20, con người mới có thông tin về nó thông qua mấy cuốn sách thuốc còn sót lại.
Lịch sử đã diễn biến một cách khốc liệt, nhiều khi chỉ do tham vọng của một cá nhân, khác với ý muốn của những thế hệ đi sau. Và hậu quả là, toàn thể nhân loại phải chịu thiệt thòi.
Bình luận (0)