Người dân tại nhiều nước khắp thế giới sẽ lần lượt chào đón năm mới 2010 với những màn trình diễn pháo hoa và lễ hội, khép lại một năm 2009 vẫn còn bị ảnh hưởng nặng bởi khủng hoảng tài chính và nhiều nỗi lo về chiến tranh, khủng bố..., đồng thời chào đón thập kỷ mới. Theo hãng tin AP, những dấu hiệu phục hồi kinh tế xuất hiện vào cuối năm 2009 đang mang lại hy vọng về một năm 2010 tốt đẹp hơn.
Đón giao thừa tại các thành phố lớn
Tại Sydney (Úc), thành phố lớn đầu tiên đón năm mới trên thế giới, khoảng 1,5 triệu người đổ ra đường phố để ngắm màn trình diễn của 4.500 kg pháo hoa được bắn lên bầu trời thành phố. Trong khi đó, theo hãng tin AFP, tại tháp Eiffel ở Paris (Pháp) diễn ra màn trình diễn ánh sáng đa màu sắc. Tại Berlin (Đức), hơn 1 triệu người đổ ra đại lộ dẫn đến Cổng Brandenburg, một biểu tượng của sự thống nhất, để chào đón năm mới.
Màn bắn pháo hoa mừng năm mới 2010 ở Sydney (Úc) đêm 31-12-2009. Ảnh: SYDNEY MORNING HERALD
Các buổi lễ mừng năm mới ở London (Anh) sẽ tập trung dưới bánh xe đu quay khổng lồ London Eye bên bờ sông Thames và tháp đồng hồ Big Ben để chờ đón những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Cũng như các năm trước, người dân New York (Mỹ) sẽ đón năm mới tại Quảng trường Thời đại, với màn thả hoa giấy và quả cầu pha lê. Tại Brazil, màn bắn pháo hoa trên biển Copacabana dự kiến thu hút 2 triệu du khách.
Nhóm người trượt băng xếp thành hình con số 2010 để chào đón năm mới ở Shimla (Ấn Độ) hôm 31-12-2009. Ảnh: AP
Dù không nhộn nhịp và tưng bừng như ở châu Âu và châu Mỹ, nhiều nước và vùng lãnh thổ ở châu Á cũng rộn ràng không khí chào đón năm mới. Tại Hồng Kông, khoảng nửa triệu người tập trung ngoài đường phố để ngắm pháo hoa được bắn từ nóc của 10 tòa nhà cao nhất.
Ngoài Hồng Kông, người dân thủ đô Jakarta (Indonesia) cũng có dịp chiêm ngưỡng những màn bắn pháo hoa rực rỡ. Trong khi đó, hàng triệu người Nhật Bản chào đón năm mới bằng cách kéo đến các đền thờ để cầu nguyện những điều tốt lành trong năm 2010.
An ninh được siết chặt
Dù chìm ngập trong không khí lễ hội, các nước vẫn không quên siết chặt an ninh, nhất là sau vụ đánh bom máy bay bất thành ở Mỹ trong ngày Giáng sinh vừa qua.
Tại Quảng trường Thời đại ở New York, cảnh sát mặc thường phục và camera giám sát được triển khai để bảo đảm an ninh cho lễ hội. Các thiết bị dò chất phóng xạ và sinh học cũng được sử dụng trong lúc rào chắn dựng lên ở nhiều nơi.
Ngoài ra, rượu và ba lô bị cấm mang vào nơi này. Ông Raymond Kelly, ủy viên cảnh sát thành phố New York, nhận định: “Toàn bộ nguồn lực sẽ được triển khai. Chúng tôi xem New York là mục tiêu tấn công khủng bố số 1 ở Mỹ”.
Người dân Philippines mua pháo hoa để dùng trong các lễ hội chào đón năm mới hôm 31-12-2009. Ảnh: AP
Tại Úc, cảnh sát thúc giục người dân uống rượu có chừng mực trong các buổi tiệc ăn mừng, đồng thời cảnh báo những người hay gây rối không nên ra ngoài. Hàng ngàn cảnh sát đã được triển khai khắp nước để canh chừng những hành vi xấu do rượu gây ra.
Tại châu Á, những nỗi lo về xung đột, chiến sự và khủng bố cũng khiến một số nước siết chặt an ninh, nhất là ở Afghanistan và Pakistan. Trong khi đó, tại Indonesia, chính quyền đảo Bali cảnh báo người dân về nguy cơ khủng bố trong đêm giao thừa.
Tại Thái Lan, theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), 20.000 cảnh sát được triển khai tại 39 địa điểm khắp Bangkok. Ngoài ra, pháo hoa cũng bị cấm sử dụng sau khi 65 người thiệt mạng trong một vụ cháy do pháo hoa gây ra tại một hộp đêm ở Bangkok vào đêm giao thừa năm ngoái.
Thủ tướng Putin chúc dân Nga thành công Kênh Truyền hình số 1 của Nga hôm 31-12 đã phát thông điệp của Thủ tướng Vladimir Putin chúc mọi sự thành công đến với người dân, bày tỏ hy vọng rằng đất nước Nga sẽ chứng kiến “sự thay đổi để tốt hơn” trong năm 2010.
L. Nguyễn |
Bình luận (0)