New Zealand là quốc gia khởi đầu các lễ hội mừng năm mới 2011 trên khắp thế giới. Hai dư chấn sáng 31-12-2010 đã không làm thành phố Christchurch thay đổi kế hoạch đón năm mới của mình. Theo hãng tin AP, Thị trưởng Ngaire Button nhấn mạnh: “Mọi người có nhiều lý do hơn bao giờ hết để tụ họp lại với nhau và mừng năm mới”.
Bên cạnh đó, ở Auckland, màn trình diễn pháo hoa hoành tráng đã diễn ra trong khi nhiều người nhảy múa và ca hát suốt đêm giao thừa. Ngoài ra, các liên hoan âm nhạc lớn như Rhythm and Vines ở Gisborne đã thu hút nhiều người đến mừng năm mới cho tới tận 5 giờ ngày 1-1-2011.
Nước Úc cũng bắt đầu mừng đón năm mới sau New Zealand 2 giờ. Nhiều người Úc cắm trại trên các công viên dọc theo cầu cảng Sydney để có thể nhìn thấy tốt nhất quang cảnh bắn pháo hoa đón năm mới. Khoảng 1,5 triệu người có mặt tại cảng Sydney thưởng thức màn biểu diễn máy bay trên trời và cuộc diễu hành tàu thuyền quanh cảng.
Nhiệt độ ở bang Victoria (Úc) lên đến 40oC khi sắp bước vào đêm giao thừa và lệnh cấm lửa được ban hành ở 6/9 khu vực tại bang này. Tuy vậy, Hội đồng thành phố Melbourne được phép tiếp tục bắn pháo hoa, trong khoảng từ 21 giờ 15 phút đến nửa đêm 31-12-2010.
Ở Hàn Quốc, có đến 100.000 người đến với lễ hội rung chuông ở Seoul. Các giới chức và 11 công dân bình thường cùng đánh quả chuông đồng lớn 33 lần lúc nửa đêm (tức 15 giờ GMT). Bên cạnh đó, một số người dân Hàn Quốc lên núi hoặc ra bãi biển vào sáng sớm 1-1-2011 để thưởng thức cảnh mặt trời mọc đầu tiên của năm mới.
Màn bắn pháo hoa mừng năm mới 2011 trên bầu trời thành phố Sydney, Úc. Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, pháo hoa vào nửa đêm giao thừa ở Đài Bắc - Đài Loan mô tả con rồng leo lên tòa nhà cao nhất thế giới ở thành phố này. Khoảng 50 vũ công đánh trống trong một điệu nhảy nhấn mạnh con người cần phải sống hài hòa với thiên nhiên.
Trong khi đó, ở châu Âu, nhiều người ăn mừng đơn giản là để quên đi những nỗi lo về kinh tế của họ sau một năm chứng kiến Hy Lạp và Ireland cần được giải cứu về tài chính.
Nếu không ở nhà hoặc dự tiệc cá nhân, người Tây Ban Nha thường tụ tập ở các quảng trường chính để ăn 12 quả nho trong khi tiếng chuông đồng hồ đếm ngược ngân vang. Còn ở Dublin, thủ đô Ireland, người dân kéo đến nhà thờ lớn Christchurch để lắng nghe những tiếng chuông đồng hồ đầu năm mới.
Ở London (Anh), hàng ngàn người thưởng ngoạn cuộc biểu diễn âm nhạc và màn bắn pháo hoa trên bờ Nam sông Thames. Còn ở Paris (Pháp), hàng chục ngàn người chen vào đại lộ Champs Élysées và khu vực quanh tháp Eiffel để thưởng thức màn biểu diễn ánh sáng và pháo hoa.
Ở New York City (Mỹ), gần 1 triệu người đổ vào các đường phố ở Quảng trường Thời đại để xem màn thả bong bóng truyền thống trong đêm giao thừa.
Đốt pháo tại Philippines, 245 người bị thương
Quan chức Philippines cảnh báo ít nhất có 245 người bị thương do đốt pháo hoặc bắn súng mừng năm mới tại nước này trong ngày cuối năm 31-12-2010
Hãng tin AP dẫn lời Bộ trưởng Y tế Enrique Ona thông báo số người bị thương là 245, theo số liệu ghi nhận được từ các bệnh viện công.
Bộ trưởng Ona khuyến cáo rằng người bị thương có thể tăng lên hơn 1.000 người trong những ngày lễ đầu năm nếu mọi người không thận trọng, tránh xa những chỗ đốt pháo.
Nhiều người Philippines chịu ảnh hưởng văn hóa truyền thống Trung Quốc tin rằng tiếng nổ lớn trong ngày lễ đầu năm có thể xua đuổi tà ma và những điều không may mắn.
Trong đó có một số người trở nên mê tín, thích đốt pháo đến mức cực đoan. Năm ngoái đã có 2 người chết và hơn 300 người bị thương do đốt pháo.
Lưu Nguyễn |
Bình luận (0)