Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết tại cuộc họp tại TP Geneva - Thụy Sĩ cuối tuần rồi, nhiều quốc gia đã đạt được sự đồng thuận sửa đổi Công ước Basel nhằm giúp lĩnh vực mua bán chất thải nhựa toàn cầu trở nên minh bạch hơn và được quản lý tốt hơn, đồng thời bảo đảm sự an toàn đối với sức khỏe con người và môi trường. "Ô nhiễm từ chất thải nhựa là vấn đề môi trường gây lo ngại toàn cầu, với ước tính 100 triệu tấn nhựa được tìm thấy trong các đại dương và 80%-90% trong số đó đến từ các nguồn trên đất liền" - ông Rolph Payet, một quan chức LHQ về môi trường, nhận định.
Rác thải nhựa và các loại rác thải khác tại một bãi biển ở thủ đô Santo Domingo của Cộng hòa Dominica. xửẢnh: Reuters
Hoạt động xuất khẩu rác thải nhựa từ những quốc gia giàu có đến một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia và Thái Lan, tăng vọt sau khi Trung Quốc ban bố lệnh cấm nhập khẩu nhiều loại phế liệu để tái chế và xử lý. Theo tờ The Guardian (Anh), sau khi công ước được sửa đổi, các quốc gia xuất khẩu rác thải nhựa như Mỹ buộc phải có sự đồng ý từ các quốc gia nhập khẩu chất thải nhựa ô nhiễm hoặc không thể tái chế được trước khi xuất đi.
Rác thải nhựa có thể tồn tại hàng thập kỷ trong đại dương, dẫn đến việc các loài sinh vật biển ăn phải các mảnh vụn. Chúng còn tích tụ thành các bãi rác khổng lồ trên biển với kích thước bằng những quốc gia nhỏ. Đáng chú ý, châu Á vừa là nơi tiếp nhận chất thải chính trên thế giới cũng vừa là nơi gây ô nhiễm hàng đầu. Khoảng 90% rác thải nhựa trên biển đến từ 10 con sông thì 8 con sông trong số này ở châu Á. Việc thu thập, xử lý rác thải kém hiệu quả và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa.
Bình luận (0)