Vụ đánh bom được mô tả là cuộc tấn công đơn lẻ đẫm máu nhất trong lịch sử của Somalia.
Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Ibrahim Kalin, cho biết Ankara đã gửi máy bay để hỗ trợ về y tế cho Mogadishu. "Chúng tôi mạnh mẽ lên án vụ khủng bố ở Mogadishu. Những người bị thương sẽ được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ điều trị" – ông Ibrahim viết trên Twitter.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres bày tỏ lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân và hy vọng những người bị thương sớm bình phục.
Ông Guterres cũng khen ngợi phản ứng nhanh chóng của chính quyền và người dân Mogadishu trong việc khắc phục hậu quả, đồng thời kêu gọi Somalia đoàn kết chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Hiện trường 1 trong 2 vụ đánh bom ở huyện Hodan, thủ đô Mogadishu hôm 14-10. Ảnh: REUTERS
Đánh bom đẫm máu nhất trong lịch sử của Somalia
Đặc phái viên LHQ tại Somalia Michael Keating mô tả cuộc tấn công là hành động "đáng ghê tởm". "Tôi đã bị sốc và kinh hoàng bởi số lượng người thiệt mạng và mức độ tàn phá mà vụ đánh bom gây ra" – ông Keating nói.
Chủ tịch Uỷ ban Liên minh châu Phi (AUC) Moussa Faki Mahamat kêu gọi chính phủ Somalia đoàn kết trong giờ khắc này, vượt qua sự chia rẽ để xây dựng lại sự gắn kết tập thể. Ông Mahamat cam kết AUC sẽ tiếp tục ủng hộ chính phủ và người dân Somali, giúp họ đạt được hòa bình và an ninh bền vững.
Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani cũng gửi lời chia buồn tới tổng thống Somalia.
Bộ Ngoại giao Mỹ gay gắt lên án vụ tấn công "vô nghĩa và hèn nhát", khẳng định sẽ sát cánh cùng chính phủ, người dân Somalia cũng như các đồng minh quốc tế để chống khủng bố, bên cạnh việc ủng hộ nỗ lực đạt được hòa bình, an ninh và thịnh vượng của Somalia.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson cho biết London mạnh mẽ lên án vụ tấn công hèn nhát ở Mogadishu. Nhiều cư dân mạng xã hội cũng cầu chuyện cho những nạn nhân xấu số.
Theo hãng tin AP, tính đến ngày 15-10, số người chết trong vụ đánh bom kép ở Mogadishu đã lên tới con số 300. Hơn 300 người bị thương vẫn đang phải nhập viện, đa số bị bỏng.
Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm vụ tấn công cho đến nay. Tuy nhiên, các vụ việc tương tự ở Somalia trước đây bị đổ lỗi cho nhóm Hồi giáo cực đoan Al-Shabaab thực hiện. Nhóm này nhiều lần nhắm mục tiêu vào các căn cứ quân sự và cộng đồng dân cư ở miền Trung và Nam Somalia. Theo dữ liệu của tồ chức Xung đột vũ trang, Al-Shabaab đã giết chết gần 4.300 người ở Somalia.
Bình luận (0)