Tình trạng trên đang rất phổ biến ở Hồng Kông cũng như ở Trung Quốc. Đa số công nhân viên ở Hồng Kông hiện nay đều không muốn có nhiều con hoặc đơn giản hơn là không muốn có con. Hãy nghe anh Dương - một công chức Hồng Kông - giải thích: “Thế giới đã thay đổi. Ba mẹ tôi sinh ra 4 đứa con, sinh sống rất chật vật. Họ làm việc cật lực mới nuôi nổi chúng tôi và không có cơ hội hưởng thụ các thú vui cuộc sống. Tôi không muốn đi theo con đường đó”. Theo anh, nuôi một đàn con đông đảo vừa tốn hao tiền của vừa mệt óc. Sinh ra một đứa con cũng đã quá đủ rồi. Anh phân bua: “Làm cha phải có trách nhiệm. Tôi đã dành rất nhiều thời giờ rảnh rỗi để chăm sóc con. Nhưng tôi còn thích đi bơi và chơi trống. Nếu có nhiều con tôi còn đâu thời gian để làm chuyện đó”.
Ít chịu trách nhiệm và có thời gian rảnh để vui chơi là đặc điểm của những cặp vợ chồng trẻ hôm nay. Có một đứa con, họ dành hết tình thương cho nó nhưng không mấy ai nghĩ rằng nuông chìu những cô, cậu “vua con” cũng đồng nghĩa với việc dễ làm cho chúng hư hỏng. Nhiều cặp vợ chồng đi làm, mướn vú em hoặc người ở trông con vô tình giao luôn trách nhiệm giáo dục con bởi đứa trẻ gần vú nuôi hoặc người làm nhiều hơn cả cha mẹ. Mà vú nuôi hay người ở thường không hề kinh qua trường lớp giáo dục, chăm sóc trẻ em một cách đúng đắn. Sợ bị chủ đuổi, họ nuông chìu trẻ hết cỡ. Vào nhà trẻ, mẫu giáo hay các lớp bậc tiểu học, những cô cậu “vua con” này quen nếp tỏ ra cứng đầu, khó dạy.
Một nhà sư phạm ở Hồng Kông nhận xét: “Những đứa trẻ ấy quen thói muốn gì được nấy ở nhà nên vào lớp không coi bạn bè ra gì. Kể cả giáo viên, nếu không làm vừa lòng các em cũng dễ bị phản ứng tiêu cực. Điều này rất nguy hiểm vì chúng tự coi là “cái rốn của vũ trụ” nên dễ sinh ra thói ích kỷ, thiếu kỹ năng xã hội”. Ích kỷ vì các em không có anh em để chia sẻ trách nhiệm, biết hy sinh cho nhau. Lớn lên một thân một mình, các cô cậu này rất kém về mặt ý thức trách nhiệm đối với xã hội. Thiếu kỹ năng xã hội vì các em thường gặp khó khăn trong giao tiếp với bạn bè. Về nhà các em luôn cảm thấy cô đơn nếu cha mẹ mải lo công việc hoặc tranh thủ tận hưởng những thú vui cá nhân. Nói chung, trào lưu sinh một con ở Trung Quốc cũng như ở Hồng Kông đang làm nảy sinh một thế hệ những “vua con” chỉ biết có vật chất, thiếu trách nhiệm với xã hội chỉ vì được cha mẹ quá nuông chìu. Tóm lại, theo một chuyên gia về tâm lý trẻ con, vấn đề con một xem ra không chỉ đáng lo về mặt tâm lý hình thành nhân cách. Cái đáng lo hơn là hậu quả về mặt xã hội bởi vì những giá trị truyền thống của các gia đình người châu Á đang bị mai một dần, trong đó có cả truyền thống tôn sư trọng đạo.
Bình luận (0)