Lực lượng chính phủ Iraq ngày 17-10 đã tiến vào TP Sinjar thuộc tỉnh Nineveh ở miền Bắc, đồng thời kiểm soát các mỏ dầu Bai Hasan và Avana ở Tây Bắc Kirkuk. Một ngày trước, toàn bộ TP Kirkuk cũng về tay Baghdad.
Kirkuk và một số khu vực thuộc các tỉnh Nineveh, Diyala, Salahudin nằm dưới sự kiểm soát của người Kurd kể từ năm 2014, sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đẩy lùi quân đội Iraq khỏi những nơi này. Đến nay, Baghdad cho hay lực lượng Peshmerga, nhánh vũ trang của người Kurd tại Iraq, rút lui mà không kháng cự.
Căng thẳng gia tăng sau khi chính quyền khu tự trị người Kurd hôm 25-9 tiến hành trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Iraq. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm 16-10 cho biết Mỹ đang làm việc với tất cả các bên để khuyến khích đối thoại và cảnh báo vẫn còn nhiều việc phải làm để chống IS ở Iraq.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định Washington sẽ không đứng về bên nào trong cuộc xung đột. "Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với người Kurd cũng như với Iraq nhiều năm qua" - ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.
Lực lượng pháo binh của quân đội Iraq ở phía Tây Nam khu vực Kirkuk hôm 17-10 Ảnh: REUTERS
Theo đài BBC, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cảnh báo chính phủ Iraq sẽ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nếu sử dụng những vũ khí do Mỹ cung cấp để chống lại lực lượng người Kurd. Theo ông McCain, Mỹ cung cấp thiết bị và huấn luyện chính quyền Iraq là để chống IS cũng như các mối đe dọa từ bên ngoài chứ không phải để tấn công các chính quyền khu vực.
Theo Reuters, sau nhiều năm hướng đất nước Iraq chia rẽ vào mục tiêu chung là chống IS, nay Mỹ không còn nhiều ảnh hưởng để ngăn chặn một cuộc xung đột toàn diện giữa hai lực lượng do chính Mỹ huấn luyện và cung cấp vũ khí. Các chuyên gia nhận định vẫn có giải pháp hòa giải nhưng đó sẽ là phép thử cân não lâu dài và đầy thách thức.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq, ông James Jeffrey, tin rằng Iran sẽ tận dụng xung đột giữa Iraq và người Kurd để tăng cường ảnh hưởng. Nước này đang hậu thuẫn các nhóm vũ trang người Shiite tại Iraq. "Mỹ cần nói rõ rằng Mỹ sẽ không bảo vệ Kirkuk nhưng nếu Iran tiến tới, Mỹ sẽ bảo vệ lực lượng Peshmerga" - ông Jeffrey nhấn mạnh.
Lúc này, Lầu Năm Góc khẳng định lực lượng Mỹ đã hiện diện trong khu vực lân cận TP Kirkuk. Đây cũng là chiến lược Mỹ sử dụng ở Syria để ngăn người Kurd và lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ đánh nhau.
Bình luận (0)