Thế giới vừa trải qua thêm một cuộc mốc buồn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 khi tổng số ca nhiễm trên thế giới vượt mức 100 triệu trong lúc số trường hợp tử vong là hơn 2,15 triệu. Theo trang worldometers.info, Mỹ tiếp tục là nước đứng đầu về số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19, theo sau là Ấn Độ, Brazil, Nga, Anh…
Điều đáng lo là nhiều nước hiện nỗ lực mua vắc-xin Covid-19 và tiếp tục gia hạn hoặc áp đặt lại các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại và cấm nhập cảnh để đối phó những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Trong số này, 2 biến thể được phát hiện đầu tiên ở Anh (gọi là B.1.1.7) và Nam Phi đang lây lan nhanh chóng trên toàn cầu trong vài tháng qua. Đáng chú ý, số ca mới do 2 biến thể này gây ra đã chiếm 1/3 tổng ca mới trong vài tuần trở lại đây. Chưa hết, theo AP, một biến thể mới ở Brazil thậm chí được cho là có tốc độ lây lan nhanh hơn và "chết chóc" hơn.
Một người tham gia thử nghiệm vắc-xin Covid-19 ở TP Johannesburg - Nam Phi vào tháng trước. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Thông tin mới công bố hôm 25-1 cho thấy 2 loại vắc-xin của Công ty Moderna (Mỹ) và của hãng dược Pfizer (Mỹ) cùng đối tác BioNTech (Đức) đều tỏ ra hiệu quả đối với biến thể mới đến từ Anh và Nam Phi. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của chúng đối với biến thể Nam Phi có sụt giảm một chút, qua đó nêu bật nỗi lo của giới khoa học rằng virus SARS-CoV-2 có thể tiếp tục biến đổi để tránh tác động của các loại vắc-xin đang được phát triển.
Trong lúc chờ vắc-xin Covid-19 chống biến thể mới ra đời, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến từ ngày 30-1 bắt đầu áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với hầu hết người không phải là công dân Mỹ từng ở Nam Phi gần đây trong nỗ lực ngăn sự lây lan của biến thể mới. Không dừng lại ở đó, ông Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cho biết các nhà khoa học đang chuẩn bị điều chỉnh vắc-xin Covid-19 để đối phó các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Trước đó, Washington đã tái áp đặt lệnh cấm tương tự đối với những ai từng ở Brazil, Anh, Ireland và 26 quốc gia châu Âu cho phép đi lại qua biên giới mở. Giới chức y tế Mỹ hôm 25-1 thông báo trường hợp nhiễm biến thể Brazil đầu tiên - một công dân sống tại bang Minnesota và gần đây có đến Brazil. Trong khi đó, biến thể B.1.1.7 đã xuất hiện tại ít nhất 20 bang ở Mỹ nhưng biến thể Nam Phi vẫn chưa đe dọa nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nỗi lo về biến thể mới còn gia tăng ở Philippines sau khi nhà chức trách y tế hôm 26-1 xác nhận những trường hợp lây nhiễm biến thể B.1.1.7 đầu tiên trong cộng đồng. Theo Bộ Y tế Philippines, 12 người đã bị lây nhiễm biến thể B.1.1.7 ở tỉnh Bontoc. Nếu tính cả Philippines, tổng số ca nhiễm biến thể này là 17. Diễn biến đáng ngại này buộc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từ bỏ kế hoạch cho phép trẻ em từ 10-14 tuổi tại các vùng có nguy cơ thấp được ra khỏi nhà từ ngày 1-2-2021. Philippines hiện đang là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Á với gần 515.000 ca nhiễm và hơn 10.200 ca tử vong. Để khống chế dịch bệnh lây lan, nước này đã thực thi một số biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, trong đó có lệnh cấm trẻ em ra khỏi nhà từ tháng 3-2020.
Sẽ có vắc-xin chống biến thể mới?
Biến thể Nam Phi được cho là có khả năng lẩn tránh các kháng thể trong máu. Ðể đề phòng kịch bản xấu, Công ty Moderna cho biết đã bắt đầu phát triển phiên bản vắc-xin Covid-19 có thể đối phó biến thể Nam Phi hiệu quả hơn nữa. Theo tờ The New York Times, phiên bản vắc-xin mới này có thể được sử dụng như một liều tiêm tăng cường. Ngoài ra, Moderna còn lên kế hoạch thử nghiệm xem liệu việc tiêm mũi thứ ba của vắc-xin ban đầu có thể giúp chống lại các biến thể mới hay không.
Trong khi đó, ông Ugur Sahin, Giám đốc điều hành Công ty BioNTech, ngày 25-1 cho biết họ có thể phát triển phiên bản vắc-xin được điều chỉnh để chống lại các biến thể mới trong khoảng 6 tuần. Trước mắt, công ty này đang trao đổi với các cơ quan quản lý trên thế giới về yêu cầu liên quan đến thử nghiệm lâm sàng và đánh giá an toàn đối với phiên bản vắc-xin mới này.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chưa bình luận về chính sách cấp phép phiên bản vắc-xin đối phó biến thể mới. Dù vậy, một số nhà khoa học cho rằng vắc-xin mới không nên bị "soi" quá gắt gao như phiên bản trước đó, như không cần trải qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn có sự tham gia của hàng chục ngàn người. Trong khi đó, ông Stephen Hoge, Chủ tịch Moderna, nói với báo The Washington Post rằng phiên bản vắc-xin mới có thể được thử nghiệm trên hàng trăm hoặc hàng ngàn người để biết được mức độ an toàn và khả năng kích hoạt miễn dịch; và Moderna có thể bắt đầu sản xuất vắc-xin mới quy mô lớn vào mùa hè năm nay.
Huệ Bình
Bình luận (0)