Hãng dược Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics (đều của Mỹ) mới đây công bố một phần kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (giai đoạn cuối) đầy hứa hẹn của thuốc kháng virus Molnupiravir trong việc điều trị các bệnh nhân Covid-19 nhẹ đến trung bình.
Trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng pha 1 và 2 (thuộc giai đoạn 3), 302 trường hợp biểu hiện triệu chứng Covid-19 trong vòng 7 ngày trước khi được phân nhóm ngẫu nhiên đã được cho uống 200 mg, 400 mg hoặc 800 mg Molnupiravir hoặc giả dược.
Kết quả thử nghiệm cho thấy tỉ lệ bệnh nhân phải nhập viện và/hoặc tử vong vì Covid-19 thấp hơn ở nhóm sử dụng Molnupiravir, với những bệnh nhân uống 800 mg đạt hiệu quả kháng virus cao nhất. Các cuộc thử nghiệm trong pha cuối của giai đoạn 3 sẽ đánh giá mức độ hiệu quả và an toàn của việc sử dụng 800 mg Molnupiravir 2 lần/ngày. Dữ liệu dự kiến được công bố vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới.
Hãng dược Hetero Labs (Ấn Độ) tuần rồi kêu gọi Tổng cục Quản lý dược phẩm Ấn Độ (DCGI) cấp phép sử dụng khẩn cấp Molnupiravir, sau khi dữ liệu sơ bộ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho thấy sản phẩm này không những làm giảm đáng kể tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 nhập viện, mà còn giúp họ hồi phục nhanh hơn trung bình 4 ngày so với nhóm không sử dụng.
Thuốc kháng virus Molnupiravir của Hãng dược Merck (Mỹ) hiện là ứng viên tiềm năng nhất trong cuộc đua phát triển thuốc uống điều trị Covid-19Ảnh: REUTERS
Cũng theo Hetero Labs, Molnupiravir gây ra tác dụng phụ không nghiêm trọng với triệu chứng nhẹ, phổ biến nhất là buồn nôn, đau đầu và tiêu chảy. Trước đó, Merck thông báo đã đạt được thỏa thuận hợp tác với Hetero Labs và nhiều hãng dược Ấn Độ khác, bao gồm Công ty Cipla, trong giai đoạn tháng 3 và tháng 4 nhằm mở rộng sản xuất và thử nghiệm Molnupiravir.
Thỏa thuận cho phép Merck cùng các công ty này sản xuất, cung cấp Molnupiravir cho Ấn Độ và hơn 100 quốc gia thu nhập thấp đến trung bình ngay khi Molnupiravir được các cơ quan địa phương phê duyệt hoặc cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Theo tạp chí Scientific American, Molnupiravir thuộc nhóm thuốc được gọi là Nucleoside Analogues (chất hóa học tương tự purine hay pyrimidine), hoạt động bằng cách tự chèn vào các sợi virus RNA (bao gồm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19) mới hình thành, khiến chúng ngừng phát triển hoặc bị đột biến nặng đến mức không thể tiếp tục nhân bản.
Giới khoa học khẳng định Molnupiravir cùng các chất tác động trực tiếp khác có thể sử dụng kết hợp trong "liệu pháp cocktail thuốc", tương tự cách để điều trị những căn bệnh truyền nhiễm như HIV và viêm gan C. Chuyên gia Timothy Sheahan của Trường ĐH Bắc Carolina (Mỹ) đề xuất sử dụng nhóm thuốc Nucleoside Analogues với nhóm thuốc ức chế Protease, vốn nhắm đến các enzyme tham gia vào quá trình nhân bản của virus.
Công ty Pfizer (Mỹ) mới đây thông báo bắt đầu thử nghiệm giai đoạn đầu một loại thuốc uống thuộc nhóm ức chế Protease đối với những trường hợp mắc Covid-19. Pfizer khẳng định loại thuốc này "có thể được sử dụng ngay khi xuất hiện các triệu chứng Covid-19 đầu tiên".
Ngoài thuốc kháng virus Molnupiravir, theo AP, cuộc chiến chống Covid-19 còn được tiếp thêm hy vọng khi tốc độ bàn giao vắc-xin toàn cầu đã gia tăng. Khoảng 1,5 triệu liều vắc-xin Moderna đã được chuyển đến Indonesia vào chiều 15-7 (giờ địa phương), sau khi quốc gia này trở thành điểm nóng Covid-19 mới của châu Á với những mức tăng kỷ lục về số ca nhiễm lẫn tử vong.
Cuối tuần trước, Indonesia cũng đã nhận được 3 triệu liều vắc-xin từ Mỹ, bên cạnh tổng cộng 11,7 triệu liều vắc-xin AstraZeneca mà quốc gia Đông Nam Á này được san sẻ thông qua COVAX (Cơ chế tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu) kể từ tháng 3.
Những thông tin tích cực trên xuất hiện trong bối cảnh Đông Nam Á đang đối mặt với một trong những đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất trên toàn thế giới, chủ yếu vì thiếu nguồn cung vắc-xin và biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ.
Phân tích dữ liệu của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), hãng tin Bloomberg ngày 15-7 cho biết số ca nhiễm mới tại Đông Nam Á đã tăng thêm 41% trong tuần qua. Số ca tử vong vì Covid-19 trong khu vực cũng tăng thêm 39% trong giai đoạn 7 ngày cùng kỳ tính đến ngày 14-7. Đây được xem là tốc độ gia tăng nhanh nhất thế giới và trong lúc tỉ lệ tiêm phòng chung của Đông Nam Á hiện chỉ đạt 9%.
Bình luận (0)