Sau khi bàn giao 66 triệu liều vắc-xin cho gần 100 quốc gia, Ấn Độ tạm ngưng hoạt động xuất khẩu vào giữa tháng 4 để tập trung đáp ứng nhu cầu nội địa giữa lúc số ca mắc trong nước tăng vọt, khiến kế hoạch tiêm phòng của nhiều quốc gia châu Phi và Nam Á bị trì trệ.
Năng lực sản xuất vắc-xin hằng ngày của Ấn Độ đã vượt mốc 10 triệu liều vào ngày 27-8, với sản lượng vắc-xin cả nước tăng gấp 2 lần kể từ tháng 4 và dự kiến tiếp tục tăng trong những tuần tới.
Những dây chuyền sản xuất mới đã được thiết lập trong khi vắc-xin của Công ty Cadila Healthcare (Ấn Độ) vừa được phê chuẩn và hoạt động sản xuất thương mại của vắc-xin Sputnik V (Nga) đang được khởi động tại quốc gia Nam Á này.
Viện Serum Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, đang bào chế khoảng 150 triệu liều vắc-xin AstraZeneca mỗi tháng, so với 65 triệu liều hồi tháng 4. "Hiện chưa có lịch trình cụ thể về hoạt động xuất khẩu vắc-xin nhưng SII hy vọng có thể bắt đầu trong vài tháng tới" - Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết.
Ghana hồi tháng 2-2021 trở thành quốc gia đầu tiên nhận được vắc-xin Covid-19 do Viện Serum Ấn Độ sản xuất thông qua cơ chế COVAX Ảnh: GAVI
Trước thông tin nêu trên, người phát ngôn của Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) khẳng định tổ chức này "đang hy vọng Ấn Độ có thể sớm nối lại hoạt động cung cấp vắc-xin cho COVAX (Cơ chế tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu)", tạo bước ngoặt trong cuộc chiến chống đại dịch trên toàn thế giới.
Bharat Biotech, hãng dược bào chế thành công vắc-xin Covid-19 nội địa đầu tiên của Ấn Độ - Covaxin, hồi cuối tuần rồi khai trương một nhà máy mới có khả năng sản xuất 10 triệu liều/tháng, đồng thời tuyên bố đang hướng đến mục tiêu sản xuất khoảng 1 tỉ liều Covaxin/năm.
Trước đó, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tuyên bố quốc gia của ông có thể sản xuất 1,1 tỉ liều vắc-xin Covid-19 trong giai đoạn tháng 9-12, đủ để tiêm phòng cho toàn bộ dân số trưởng thành của họ trong năm nay.
Trong khi đó, Israel ngày 29-8 bắt đầu chiến dịch tiêm liều bổ trợ cho mọi công dân từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm liều 2 cách đây ít nhất 5 tháng. Theo giới chức Bộ Y tế Israel, miễn dịch do 2 mũi tiêm ban đầu cung cấp bắt đầu suy giảm sau 5 tháng, vì thế những người đã được tiêm đầy đủ cần tiêm liều 3 sau quãng thời gian này.
Với hy vọng ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta, Israel tháng rồi bắt đầu nỗ lực tiêm liều bổ trợ cho nhóm dân số già và dần dần hạ độ tuổi tiêm. Trước thông báo ngày 29-8, chiến dịch này chỉ dành cho nhóm dân số từ 30 tuổi trở lên. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 2 triệu/9,3 triệu dân của Israel đã được tiêm liều 3.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett khẳng định nỗ lực phủ sóng mũi tiêm bổ trợ mang lại kết quả tích cực khi số ca mắc nặng bắt đầu giảm. Chương trình tiêm chủng của Israel chỉ sử dụng vắc-xin Pfizer-BioNTech.
Bình luận (0)