Trước tình hình đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định những kẻ quá khích đã lấy cớ phẫn nộ đối với bộ phim để thực hiện các cuộc tấn công trên khắp thế giới nhằm gây tổn hại trực tiếp đến quyền lợi của Mỹ.
Đã có thêm một số cơ quan ngoại giao phương Tây đóng cửa ngày 21-9 khi đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối bộ phim trên cũng như các bức biếm họa về tiên tri Mohammed đăng trên tạp chí Charlie Hebdo của Pháp. Tại Indonesia, Đại sứ quán Mỹ ở Jakarta, Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở Surabaya và Cơ quan Lãnh sự Mỹ ở Bali đóng cửa trong ngày 21-9 do lo ngại nguy cơ xảy ra biểu tình trước các cơ sở này.
Đại sứ quán Đức ở Khartuom, thủ đô Sudan, cũng đóng cửa ngày 21-9 khi nhà chức trách tiên lượng sẽ xảy ra các cuộc phản đối. Đài CNN cho biết một số người nhận định buổi cầu nguyện ngày thứ sáu có thể là dịp bùng nổ các cuộc chống đối. Trước đó, ngày 20-9, các cuộc biểu tình đã diễn ra ở Pakistan, Afghanistan và Iran. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Tunisia đã ra lệnh cấm tất cả mọi cuộc biểu tình vào ngày 21-9 nhằm tránh lặp lại bạo loạn như tuần trước.
Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ quán Mỹ ở Islamabad đã chi 70.000 USD để phát sóng mẩu quảng cáo trên đài truyền hình Pakistan có nội dung Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton lên án đoạn phim trên. Theo hãng tin AP, động thái này nhằm xoa dịu cơn giận của công chúng.
Bà Clinton ngày 20-9 đã thành lập một ủy ban điều tra vụ tấn công tuần trước vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi - Libya làm chết đại sứ Mỹ Christopher Stevens. Đứng đầu ủy ban này là ông Thomas Pickering, một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, từng làm đại sứ ở Nga, Ấn Độ, Israel, El Salvador, Nigeria, Jordan và Liên Hiệp Quốc.
Bình luận (0)