Các lãnh đạo Taliban hôm 16-8 cho biết họ không ghi nhận bất kỳ cuộc đụng độ nào trên khắp Afghanistan một ngày sau khi các tay súng chiếm thủ đô Kabul và khép lại 20 năm hiện diện quân sự của Mỹ và đồng minh trong khu vực.
Chưa đầy một tuần sau khi báo cáo quân sự Mỹ cảnh báo thủ đô Kabul có thể bị Taliban bao vây trong 30 ngày, cộng đồng quốc tế hôm 15-8 ngỡ ngàng trước cảnh các tay súng Taliban xông vào văn phòng Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và nhiều người nước ngoài đổ xô lên máy bay rời khỏi nước này.
Phản ứng về tình hình tại Afghanistan, ông Zamir Kabulov, đặc phái viên về Afghanistan của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tuyên bố Nga sẽ không vội công nhận chính quyền Taliban khi cho rằng quyết định sẽ phụ thuộc vào hành động của phong trào này.
Theo ông Kabulov, Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov sẽ gặp điều phối viên của Taliban trong ngày 17-8 để bàn về vấn đề an ninh. Trước cuộc khủng hoảng leo thang ở Afghanistan, nhiều nước đã bắt đầu sơ tán công dân và đóng cửa đại sứ quán tại đây.
Người dân Afghanistan trở lại quê nhà khi chờ qua cổng Hữu nghị ở biên giới với Pakistan, tại thành phố ChamanẢnh: REUTERS
Trong khi đó, Trung Quốc đã sơ tán phần lớn công dân nhưng vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của đại sứ quán. Theo đài CNN, Trung Quốc hy vọng Taliban sẽ thực hiện cam kết bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực ở Afghanistan diễn ra suôn sẻ, ngăn hành động khủng bố và tội phạm.
Ông Mohammad Naeem, phát ngôn viên Văn phòng chính trị của Taliban, một ngày trước đó tuyên bố Taliban không muốn bị cô lập và sẽ sớm công bố chế độ mới, đồng thời duy trì các kênh liên lạc với nước ngoài.
Theo hãng tin Reuters, Taliban sẽ áp dụng chính sách không can thiệp vào nội bộ nước khác để đổi lấy việc không can thiệp vào Afghanistan. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 16-8 có cuộc họp khẩn về tình hình Afghanistan, đây là cuộc họp thứ hai chỉ trong hơn một tuần.
Các quan chức Mỹ thẳng thắn thừa nhận họ đã tính toán sai. Hôm 15-8, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho rằng Mỹ có thể đối mặt với sự gia tăng các mối đe dọa khủng bố từ Afghanistan dưới sự lãnh đạo của Taliban.
Một nguồn thạo tin nói với hãng tin AP rằng trong một cuộc trao đổi với các thượng nghị sĩ hôm 15-8, tướng Milley cho biết giới chức Mỹ được cho là sẽ thay đổi đánh giá trước đó của họ về tốc độ tái hợp của các nhóm khủng bố ở Afghanistan.
Hồi tháng 6, các nhà lãnh đạo của Lầu Năm Góc cho rằng một nhóm cực đoan như al-Qaeda có thể hồi sinh ở Afghanistan và đặt ra mối đe dọa cho Washington trong vòng 2 năm sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Hai thập kỷ sau khi Mỹ đưa quân tới Afghanistan với lý do Taliban chứa chấp các thủ lĩnh al-Qaeda, các chuyên gia cho rằng Taliban và al-Qaeda vẫn duy trì mối liên hệ và các nhóm bạo lực khác có thể tìm thấy thiên đường trú ẩn dưới chế độ mới.
Việc Taliban nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát ở Kabul đang đặt ra mối lo ngại không chỉ về tương lai của Afghanistan mà còn về tác động đối với các quốc gia khác trong khu vực và nền kinh tế của họ, như Iran, Iraq, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và đặc biệt là Pakistan, nơi đang gánh khoản nợ công lớn.
Bà Shamaila Khan, người đứng đầu bộ phận nợ của thị trường mới nổi tại AllianceBerntein, cảnh báo các quốc gia láng giềng sẽ phải đối phó với làn sóng người tị nạn trong thời gian tới. Ước tính có khoảng 400.000 người Afghanistan đã rời bỏ nhà cửa trong năm nay. Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cho hay có khoảng 2,6 triệu người tị nạn Afghanistan trên toàn thế giới, gồm 1,4 triệu người ở Pakistan và 1 triệu người ở Iran.
Bình luận (0)