Thị trấn Whittier ở bang Alaska là một trong những nơi kỳ lạ và cô lập nhất nước Mỹ. 15 năm trước, nếu thời tiết cho phép, người ta phải đi xe lửa hoặc tàu thuyền đến Whittier.
Giờ đây, chính quyền bang đã nâng cấp một đường hầm dài 4 km, có từ Thế chiến thứ hai để ô tô chạy tới thị trấn. Tuy nhiên, đường hầm một làn xe này chỉ mở cửa đến 22 giờ 30 phút (giờ địa phương) và các phương tiện chỉ được lưu thông một hướng trong mỗi một giờ.
Thời tiết ở Whittier rất khắc nghiệt. Mùa đông, tuyết có thể phủ dày 6-7 m cùng những cơn gió mạnh thổi với vận tốc 128 km/giờ. Năm này qua năm khác, người dân nơi đây lần lượt chịu đựng 6 tháng mùa mưa, 6 tháng còn lại là gió và tuyết.
Sau trận chiến Trân Châu Cảng, quân đội Mỹ xây dựng Whittier thành một căn cứ quân sự, đóng vai trò quan trọng trong những ngày đầu chiến tranh lạnh. Tới những năm 1950, nơi này đóng cửa và trở nên hoang phế.
Thị trấn Whittier chỉ bắt đầu hồi phục khi giá dầu giảm mạnh vào cuối những năm 1980. Whittier chào đón nhóm cư dân đầu tiên và dần dần có thêm người từ bang Hawaii, vùng lãnh thổ Samoa, đảo Guam (đều thuộc lãnh thổ Mỹ), Philippines đến lập nghiệp. Bệnh viện, trường học, dịch vụ công cộng và chính quyền được thành lập, biến thị trấn thành một xã hội thu nhỏ. Một điều đặc biệt là hầu hết 220 cư dân tại đây sống chung tại một tòa chung cư 14 tầng tên gọi Begich như một đại gia đình.
Cư dân Whittier làm nhiều nghề khác nhau, trong đó có đánh bắt cá, kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí, du lịch… Họ cũng không phải đưa con đến trường bởi một đường hầm được đào thẳng từ chung cư tới trường học giúp bọn trẻ tự đi lại an toàn. Bên dưới đường hầm này có một căn phòng đông lạnh lưu trữ thịt, bánh mì, kem… để dành cho mùa đông. Vào giờ ăn trưa, học sinh chạy xuống hầm và thưởng thức bữa ăn tự chọn.
Người ta đồn rằng có người không bước ra khỏi Begich suốt vài tuần, vài tháng, thậm chí vài năm. Do sống trong môi trường khép kín nên sự riêng tư trở thành một vấn đề. Một số cư dân ở Begich đã chuyển ra ngoài để tìm kiếm cảm giác thoải mái, như trường hợp của bà Brenda Tolman (64 tuổi).
Từng là họa sĩ ở bang California, bà Tolman đùa rằng nhiều lúc bà cảm thấy Begich giống như một bệnh viện tâm thần hay nhà tù hơn là chung cư. Hồi còn ở Begich, bà sống trong căn hộ trên tầng 7. Chịu không nổi không gian tù túng và hay bị nhòm ngó, bà chuyển đến một khu căn hộ nhỏ hơn gần đó, nơi còn lại có thể sống được ở Whittier bên cạnh tòa nhà Begich.
Giống như các địa phương khác ở Mỹ, người dân Whittier cũng có những mối quan tâm về cộng đồng, việc làm, y tế, giáo dục. Một cuốn sách xuất bản cách đây 15 năm có tựa đề “The Strangest Town in Alaska” (tạm dịch: Thị trấn kỳ lạ nhất ở Alaska) mô tả rõ nét cuộc sống tại thị trấn đặc biệt này. Các nhà làm phim Hollywood cũng đang lên kế hoạch bấm máy một bộ phim kinh dị lấy bối cảnh ở Whittier, trong đó thị trấn sẽ biến thành một căn cứ hải quân Nga.
Bình luận (0)