Đài CNBC cho biết Phố Wall vừa trải qua một tuần "thương đau", với chỉ số Nasdaq giảm tới 7,6% trong tuần qua, S&P 500 giảm 5,7%...
Đặc biệt, khi kết thúc giao dịch hôm 21-1 (giờ địa phương), nhiều cổ phiếu trải qua tuần lễ tệ nhất kể từ năm 2020 đến nay, trong đó thiệt hại lớn rơi vào nhiều tên tuổi của lĩnh vực công nghệ và chi tiêu tiêu dùng.
Lúc này, các nhà đầu tư đang hồi hộp chờ đợi các cuộc họp trong ngày 25 và 26-1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), để tìm hiểu manh mối về việc cơ quan này tăng lãi suất cơ bản như thế nào trong năm nay và khi nào thì bắt đầu.
Tuần sau cũng là thời điểm "bom tấn" khi hàng loạt công ty báo cáo doanh thu, trong đó có các hãng lớn như 3M, IBM, Caterpillar, American Express... Hai đại gia lớn nhất về giá trị vốn hóa thị trường là Microsoft và Apple dự kiến công bố doanh thu trong ngày 25 và 27-1, trong khi Tesla chọn ngày 26-1.
Cũng trong ngày 27-1 sẽ có đánh giá về kinh tế Mỹ trong quý IV/2021 và một ngày sau là dữ liệu về chi tiêu tiêu dùng cá nhân. Những diễn biến liên tiếp này hứa hẹn sẽ khiến thị trường chứng khoán khắp thế giới thêm dậy sóng.
Giao dịch tại sàn chứng khoán New York hôm 21-1. Ảnh: REUTERS
Một trong số vấn đề mà Chủ tịch FED Jerome Powell dự kiến thông báo với truyền thông trong ngày 25-1 là tình hình lạm phát ở Mỹ.
Theo CNBC, nhiều khả năng FED không quyết định tăng lãi suất hay thay đổi chính sách trong các cuộc họp tuần tới song có thể tạo tiền đề cho chính sách của họ một khi kết thúc chương trình mua trái phiếu.
Nhiều nhà kinh tế dự đoán FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % từ mức hiện tại (đang gần 0%) vào tháng 3 tới. FED cũng sẽ thi hành nhiều bước thắt chặt chính sách, bao gồm giảm chi.
Trước kịch bản Mỹ sớm tăng lãi suất cơ bản, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhận định động thái này có thể "tạt gáo nước lạnh" vào tiến trình hồi phục kinh tế vốn đã mong manh ở một số quốc gia.
Trao đổi tại một sự kiện trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos hôm 21-1, bà Georgieva tỏ ra đặc biệt lo ngại đối với những nước có mức nợ cao tính theo USD và thông điệp của IMF dành cho họ là: "Hãy hành động ngay! Nếu có thể xin gia hạn, hãy làm thế. Nếu cần điều chỉnh chính sách tiền tệ, giờ là lúc thực hiện". Do đó, theo bà Georgieva, điều cực kỳ quan trọng là FED phải nói rõ các kế hoạch chính sách của mình.
IMF vẫn kỳ vọng kinh tế toàn cầu hồi phục nhưng theo bà Georgieva, tiến trình này đã "mất phần nào lực đẩy" và năm 2022 tiếp tục gặp nhiều khó khăn do lạm phát tăng, mức nợ cao cùng đại dịch Covid-19.
Vào tháng 12 năm ngoái, IMF cảnh báo nợ toàn cầu đã chạm mốc 226.000 tỉ USD trong năm 2020, đạt mức tăng theo năm lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Trong khi đó, lạm phát ở khu vực đồng euro (euro zone) đạt mức cao kỷ lục 5% vào tháng 12-2021, chủ yếu do giá năng lượng tăng cao.
Cùng tháng, lạm phát ở Anh chạm mốc cao nhất trong vòng 30 năm qua, còn chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ tăng ở mức nhanh nhất kể từ tháng 6-1982.
Dù vậy, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), tin rằng lạm phát tại euro zone sẽ không tăng đến mức như ở Mỹ.
Chia sẻ thông qua Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos hôm 21-1, bà Lagarde chỉ ra nhu cầu ở Mỹ hiện tăng 30% so với mức trước đại dịch trong khi euro zone chỉ "tương đương trước đại dịch". Ngoài ra, theo bà Lagarde, giá năng lượng sẽ ổn định lại trong năm 2022, các nút thắt trong chuỗi cung ứng cũng được tháo gỡ, kéo theo lạm phát dần đi xuống.
Gánh nặng "Không Covid-19"
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva ngày 21-1 mô tả chiến lược "Không Covid-19" (Zero Covid) của Trung Quốc đang ngày càng trở thành "gánh nặng".
Theo bà Georgieva, chiến lược của Trung Quốc mặc dù thành công ban đầu song hiện mang lại nhiều rủi ro hơn lợi ích, cụ thể nhất là cản trở sự phục hồi kinh tế.
"Chiến lược nói trên đã kiềm chế số ca mắc Covid-19 ở Trung Quốc trong một thời gian khá dài. Nhưng biến thể Omicron mới khiến các biện pháp ngăn chặn này không dễ dàng thành công, đã vậy lại tạo ra gánh nặng nhiều hơn cho nền kinh tế, mang lại rủi ro không chỉ đối với Trung Quốc mà còn cả thế giới" - bà Georgieva nói.
Vị nữ giám đốc cho biết bây giờ là thời khắc quan trọng để tất cả các quốc gia đánh giá lại cách đối phó đại dịch Covid-19. Trung Quốc thực hiện chiến lược "Không Covid-19" để loại bỏ hoàn toàn Covid-19 thông qua các biện pháp y tế công cộng như phong tỏa chặt chẽ, xét nghiệm hàng loạt và kiểm soát biên giới nghiêm ngặt.
Theo đài CNBC, Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy kinh tế giữa lúc tăng trưởng chậm lại. Ngày 19-1, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay. Bà Georgieva dự đoán Bắc Kinh sẽ đề ra các biện pháp tiếp theo - có thể xem là "chính sách đại dịch" và ảnh hưởng lớn đến chính sách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc cũng như phần còn lại của thế giới trong suốt năm 2022.
"Trừ khi chúng ta xây dựng các biện pháp bảo vệ trên toàn cầu, nếu không chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự gián đoạn và tương lai không sáng sủa như chúng ta mong đợi" - bà Georgieva cảnh báo.
Tính đến ngày 22-1, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 105.547 ca mắc Covid-19, 4.636 ca tử vong và 97.850 trường hợp phục hồi, theo số liệu từ trang web worldometers.info.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)