Ngày 18-9, thị trường chứng khoán khắp thế giới căng thẳng hơn khi thị trường chứng khoán New York (NYSE) bước sang ngày hoạt động thứ 2 sau thời gian đóng cửa vì thảm họa WTC ngày 11-9. Giao dịch chứng khoán trên thị trường châu Á trong phiên giao dịch sáng 18-9 tăng mạnh hơn so với một ngày trước. Giá trị đồng USD ở Nhật đã tăng nhẹ sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật tung ra các biện pháp can thiệp hỗ trợ đồng USD.
Những diễn tiến này đã làm lóe sáng tia hy vọng rằng những dự đoán xấu nhất kể từ khi WTC bị tấn công sẽ không xảy ra. Các nhà đầu tư tại các nước Nhật, Singapore, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan tỏ ra an tâm hơn và cho rằng, bằng cách hỗ trợ này, giá trị đồng USD trên thế giới sẽ sớm phục hồi trong vài tuần tới.
Theo những ghi nhận của các nhà đầu tư chứng khoán, tỉ giá chứng khoán tại NYSE trong ngày giao dịch 17-9 đã sụt giảm nhanh, mạnh hơn dự kiến trước đó, bất chấp quyết định cắt giảm lãi suất cho vay gốc lần thứ 8 thêm 0,5% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và tuyên bố cắt giảm lãi suất để thúc đẩy kinh tế của các ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Anh, Thụy Sĩ và Canada trong ngày 17-9. Cổ phiếu của các ngành hàng không và bảo hiểm giảm đến mức chóng mặt, trong khi giá cổ phiếu của các ngành bán lẻ như thực phẩm, sản xuất dụng cụ an toàn cá nhân, vũ khí lại tăng vọt trong ngày 17-9. Nhưng nhiều nhà đầu tư đã chính thức trở lại với những hoạt động đầu tư chứng khoán. Những người này dự đoán, FED sẽ tiếp tục hạ 0,5 % lãi suất cho vay gốc (lần thứ 9) vào ngày 2-10 tới nhằm giúp ổn định thị trường chứng khoán và kinh tế Mỹ.
Bình luận (0)