Theo Reuters, cả giá dầu thô Brent và WTI trong ngày 1-4 (giờ địa phương) đều giảm 13% - mức giảm theo tuần lớn nhất trong 2 năm qua - xuống lần lượt còn 104,39 USD/thùng và 99,27 USD/thùng.
Trong tuyên bố sau cuộc họp khẩn ngày 1-4, IEA chưa tiết lộ về quy mô cũng như thời điểm của đợt mở kho bổ sung này của các thành viên. Ông Hidechika Koizumi, Giám đốc bộ phận quốc tế của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, tiết lộ các nước thành viên chưa thống nhất được những vấn đề trên và thông tin chi tiết sẽ được IEA công khai vào đầu tuần tới.
Theo đài CNN, đây mới là lần thứ năm hợp tác mở kho dầu dự trữ khẩn cấp trong lịch sử IEA. Trước đó, vào đầu tháng 3, IEA cũng thông báo "xả" 60 triệu thùng dầu từ các nước thành viên, bao gồm 30 triệu thùng của kho dự trữ dầu chiến lược Mỹ (SPR).
Trong thông cáo mới nhất, IEA nhấn mạnh: "Kịch bản Nga bị gián đoạn sản xuất quy mô lớn sẽ khiến nguồn cung dầu toàn cầu bị sốc". Trước thông báo của IEA một ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đợt mở SPR lớn chưa từng thấy: "Xả" 1 triệu thùng dầu thô/ngày trong vòng 6 tháng (bắt đầu từ tháng 5), tức tổng cộng 180 triệu thùng.
Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng khẳng định các nước khác cũng có thể mở kho từ 30-50 triệu thùng dầu. "Số dầu xuất kho càng nhiều, giá dầu càng dễ đi xuống" - ông Biden nói với các phóng viên.
Tàu chở dầu Minerva Virgo rời Nga từ cuối tháng 2 và đang neo đậu tại cảng ở TP Bayonne, bang New Jersey - Mỹ Ảnh: REUTERS
Song song việc mở kho dự trữ, IEA khuyến cáo các nước tăng cường dự trữ và tiết kiệm năng lượng bởi không dễ bù đắp khoảng trống mà dầu thô Nga để lại. Theo IEA, Nga hiện là nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và là nhà xuất khẩu lớn nhất, với khoảng 5 triệu thùng dầu thô cung cấp ra thị trường mỗi ngày, chiếm xấp xỉ 12% giao dịch toàn cầu.
Reuters dẫn số liệu của Công ty Tư vấn Kpler cho thấy xuất khẩu dầu thô của Nga trong tháng 3 có vẻ vẫn ổn định, ước tính đạt 4,45 triệu thùng/ngày (hơi giảm so với 4,6 triệu thùng/ngày của tháng 2). Tuy nhiên, các biến động đã xuất hiện, cụ thể là lượng dầu Nga xuất qua châu Âu giảm từ 2,97 triệu thùng/ngày (tháng 2) xuống còn 2,06 triệu thùng/ngày (tháng 3) trong khi dầu xuất sang châu Á tăng từ 1,39 triệu thùng/ngày (tháng 2) lên 1,84 triệu thùng/ngày (tháng 3).
Trong tháng 4 này, hệ quả từ các lệnh trừng phạt qua lại cộng với khó khăn trong thanh toán, vận chuyển... sẽ khiến thị trường dầu thêm phức tạp. Một biến số lớn khác đến từ Trung Quốc, nơi nhu cầu về dầu có thể xuống thấp khi hàng loạt thành phố lớn có nguy cơ chịu cảnh phong tỏa để chống dịch Covid-19.
Đó là chưa kể nhiều chuyển động địa chính trị khác như khả năng đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran mới, dầu của Venezuela quay lại thị trường hay căng thẳng giữa Mỹ và đồng minh một thời Ả Rập Saudi.
Quá nhiều biến số cũng là lý do khiến OPEC+ (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu và đồng minh, bao gồm Nga) tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng thêm 432.000 thùng/ngày vào sản lượng mục tiêu của tháng 5, theo Reuters.
Bám sát kế hoạch và chờ xem tình hình chiến sự cũng như đại dịch, bất chấp sức ép từ phương Tây, có lẽ là giải pháp an toàn cho OPEC+ lúc này. Về giá dầu, ngân hàng JP Morgan giữ nguyên dự đoán 114 USD/thùng cho quý II và 101 USD/thùng cho nửa cuối năm nay.
"Chúng tôi xác định dầu xả từ các kho chiến lược không phải là nguồn cung ổn định và nếu lượng dầu Nga vắng bóng trên thị trường ở mức bình quân hơn 1 triệu thùng/ngày vào năm sau thì năm 2023 sẽ bị thâm hụt nặng" - JP Morgan nhấn mạnh.
Hai bên đều bị thiệt
Châu Âu và Nga đều hứng chịu hậu quả nặng nề nếu Điện Kremlin quyết cắt nguồn cung khí đốt cho những quốc gia "không thân thiện" từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Châu Âu tuyên bố sẽ không khuất phục "tối hậu thư của Nga" sau khi người phát ngôn Điện Kremlin ngày 1-4 thông báo yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp sẽ được thực hiện vào cuối tháng 4 này.
Năm ngoái, Nga xuất khẩu khoảng 155 tỉ m3 khí đốt cho châu Âu, chiếm hơn 30% nguồn cung của cựu lục địa. Không có Nga, châu Âu sẽ phải mua thêm khí đốt từ thị trường giao ngay, nơi chi phí đã tăng hơn khoảng 500% so với năm ngoái. Theo chuyên gia Kateryna Filippenko của Công ty Wood Mackenzie (Anh), khí đốt dự trữ châu Âu vẫn đủ để sử dụng bình thường đến mùa hè năm nay. Tuy nhiên, nếu không tiết kiệm, châu Âu có thể bước vào mùa đông với lượng khí đốt dự trữ chỉ còn 10%.
Với Moscow, khóa van khí đốt sang châu Âu cũng chẳng khác nào "tự bắn vào chân", bởi họ sẽ mất một nguồn thu ngoại tệ quan trọng giữa lúc Ngân hàng Trung ương Nga bị hạn chế quyền tiếp cận dự trữ ngoại hối. Với tập đoàn Gazprom (Nga), họ có nguy cơ bị kiện và phải trả những khoản đền bù khổng lồ, bởi các nước châu Âu liên tục nhấn mạnh hành động của Điện Kremlin vi phạm hợp đồng.
Một câu hỏi khác là Nga có thể làm gì với lượng khí đốt vốn thường được giao cho châu Âu. Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko mới đây tuyên bố Moscow có thể chuyển phần khí đốt này sang các thị trường khác, như châu Á.
Tuy nhiên, theo Reuters, hiện chưa có hệ thống ống dẫn cho phép Nga làm vậy dù châu Á đang "khát" năng lượng giữa lúc phương Tây ráo riết tìm kiếm nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). "Đây thực sự là thảm họa đối với các nước châu Á đang phát triển" - chuyên gia Bruce Robertson của Viện Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính khẳng định.
Theo ông Robertson, giá khí đốt tăng đột biến đã gây ra khủng hoảng năng lượng tại những quốc gia phụ thuộc vào LNG để bù đắp cho nhu cầu nhập khẩu than đá và dầu mỏ, như Pakistan và Bangladesh. Vị này cho biết thêm Bangladesh vốn lên kế hoạch trợ giá cho 20 đợt bàn giao LNG trong năm nay nhưng mới chỉ mua được 11 đợt thì hết tiền.
Cao Lực
Bình luận (0)