Cổ phiếu châu Á nối gót đợt bán tháo toàn cầu hôm 10-6 sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định nâng lãi suất giữa nỗi lo liên quan đến tăng trưởng kinh tế thế giới gia tăng.
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) có thời điểm giảm 0,9% trong khi các chỉ số KS11 (Hàn Quốc) và Nikkei (Nhật Bản) bốc hơi lần lượt 1,5% và 1,4%. Ở chiều hướng ngược lại, thị trường chứng khoán Trung Quốc khởi sắc khi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua mạnh và hy vọng Bắc Kinh sẽ nới lỏng quy định đối với các công ty công nghệ.
Bất chấp tình hình Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở Bắc Kinh và Thượng Hải, chỉ số blue-chip CSI300 của Trung Quốc tăng 0,41% trong khi chỉ số Alibaba ở Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 1,8%.
Trước đó, Reuters đưa tin giới chức Trung Quốc đã bật đèn xanh cho Tập đoàn Ant Group của tỉ phú Jack Ma hồi sinh đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Mặc dù thông tin này đã bị Ant Group và giới chức Trung Quốc phủ nhận, các nhà đầu tư vẫn xem đây là một tín hiệu cho thấy chiến dịch siết chặt quy định nhằm vào các công ty công nghệ đang được nới lỏng.
"Trung Quốc chuẩn bị bước vào chu kỳ nới lỏng. Đây chắc chắn là một tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu trước đây giảm khá nhiều nhưng bây giờ, chúng sẽ tăng trở lại" - nhà sáng lập Jason Hsu của Công ty Rayliant Global Advisors (Hồng Kông) nhận định.
Biểu đồ minh họa giá cổ phiếu DAX (Đức) tại sàn giao dịch chứng khoán TP Frankfurt - Đức hôm 9-6. Ảnh: REUTERS
Trước đó, vào ngày 9-6, ECB thông báo sẽ tiến hành đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2011 vào tháng tới, với mức tăng 0,25% nhằm kìm giá tiêu dùng trên toàn Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Nếu lạm phát vẫn tiếp diễn hoặc xấu đi, một đợt tăng lãi suất cao hơn 0,25% có thể được triển khai vào tháng 9, ECB nhấn mạnh.
Trong khi đó, giới đầu tư dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tuần tới, nhất là nếu chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của Mỹ cho thấy lạm phát tiếp tục gia tăng tại quốc gia này.
Thị trường chứng khoán Phố Wall tràn ngập sắc đỏ trong lúc giới đầu tư chờ dữ liệu dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 10-6 (giờ địa phương), với chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng giảm hơn 2% - mức giảm cao nhất kể từ giữa tháng 5.
Giá dầu cũng đã giảm sau khi một số khu vực của Thượng Hải bị áp lệnh phong tỏa mới, với giá dầu thô Mỹ và dầu thô Brent xuống còn lần lượt 120,88 USD/thùng và 122,38 USD/thùng. Đài CNBC cho biết Thượng Hải sẽ phong tỏa hàng triệu cư dân để tiến hành đợt xét nghiệm quy mô lớn ở 14 trong tổng số 16 quận vào cuối tuần này – chỉ 10 ngày sau khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt suốt 2 tháng được gỡ bỏ.
Giới quan sát khẳng định các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong thời gian qua tại Thượng Hải đã gây ảnh hưởng xấu đến kinh tế Trung Quốc, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và trì trệ hoạt động thương mại toàn cầu.
Theo Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (ECCC), các văn phòng tại Thượng Hải của các thành viên thuộc tổ chức này hiện chỉ hoạt động với mức công suất 30%-50% trong khi các nhà máy hoạt động với mức trên 80%. Phó chủ tịch ECCC Bettina Schoen-Behanzin cho biết ngày càng nhiều công ty châu Âu muốn cân nhắc lại các khoản đầu tư mới ở Trung Quốc.
Bình luận (0)