Nếu tính trên toàn thế giới, những thảm họa loại này đã khiến 606.000 người thiệt mạng, khoảng 4,1 tỉ người bị thương, trở thành kẻ vô gia cư hoặc trong tình trạng cần sự hỗ trợ khẩn cấp. Trong đó, lũ lụt được xem là mối đe dọa thường trực nhất cho con người, chiếm tỉ lệ đến 47%. Tuy nhiên, bão lốc mới là thảm họa chết chóc nhất khi cướp đi sinh mạng của 242.000 người. Cũng theo báo cáo, Mỹ là nước xảy ra nhiều thảm họa liên quan đến thời tiết nhất (472 vụ). Đứng ngay sau Mỹ là 4 nước châu Á: Trung Quốc (441 vụ), Ấn Độ (288 vụ), Philippines (274 vụ) và Indonesia (163 vụ). Mỗi năm, những thảm họa này khiến kinh tế thế giới thiệt hại trung bình 250-300 tỉ USD. Báo cáo cũng cảnh báo về nguy cơ gia tăng thiên tai trong thời gian tới do biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu, cùng với hiện tượng El Nino ở Thái Bình Dương, là những nguyên nhân chính khiến 2015 dự kiến là năm nóng nhất từng được ghi nhận. Không những thế, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 25-11 cho biết năm 2016 còn có thể nóng hơn cả năm nay. Tổng Giám đốc WMO Michel Jarraud cho biết nhiệt độ năm 2015 sẽ cao hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1880-1899 và hơn 0,73 độ C so với giai đoạn 1961-1990. Cũng theo ông Jarraud, các nhà lãnh đạo tham dự COP21 sắp tới cần phải nhất trí về những bước đi để giữ nhiệt độ tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mục tiêu đã đề ra vào năm 2010 trong nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng của hiện tượng thời tiết cực đoan.
Dù COP21 chính thức khai mạc ngày 30-11 nhưng các cuộc thương thảo về một hiệp định nhằm làm chậm lại tình trạng toàn cầu ấm dừng lên sẽ bắt đầu sớm hơn 1 ngày. “Về lâu dài, thỏa thuận tại COP 21 ở Paris sắp tới về vấn đề cắt giảm khí thải nhà kính sẽ đóng góp đáng kể trong những nỗ lực giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do thiên tai gây ra, xuất phát từ sự ấm lên toàn cầu và sự dâng cao của mực nước biển” - người đứng đầu UNISDR Margareta Wahlstrom cho biết. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) hôm 25-11 thừa nhận vẫn còn rất nhiều công việc phải làm và lo sợ hội nghị khép lại vào ngày 11-12 tới mà không đạt được kết quả như ý bởi một loạt tranh cãi, trong đó có chuyện chia sẻ gánh nặng trách nhiệm từ việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Bình luận (0)