Các nước ASEAN đang đối mặt với "thiệt hại ngoài dự kiến" từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow.
Theo giới phân tích, chiến sự ở Ukraine nhiều khả năng không gây ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến các nền kinh tế Đông Nam Á. Tuy nhiên, họ cảnh báo rằng chiến tranh kéo dài không chỉ gây tổn hại đến Liên minh châu Âu (EU) mà tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực, từ thương mại đến du lịch.
Ngân hàng Maybank (Malaysia) nhận định xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế của ASEAN có thể chịu tác động nếu kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm lại hoặc suy giảm do cuộc chiến. Theo Ngân hàng Maybank, EU hiện chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu và 11% đầu tư nước ngoài trực tiếp của ASEAN.
Bên cạnh "thiệt hại ngoài dự kiến", theo Ngân hàng DBS (Singapore), các nước ASEAN còn đối mặt một vài rủi ro trực tiếp khi phải phụ thuộc vào những mặt hàng nhất định (như trường hợp của Indonesia, Philippines là lúa mì nhập khẩu từ Ukraine và Nga).
Du khách Nga tại đảo Phuket - Thái Lan hôm 12-3 Ảnh: REUTERS
Theo trang Nikkei Asia, một nỗi lo khác là tác động đến du lịch, nhất là khi các nước ASEAN đang bắt đầu mở cửa chào đón du khách quốc tế. Từng bước một, chính phủ các nước trong khu vực bắt đầu nới lỏng lệnh kiểm soát biên giới để hồi sinh du lịch và phục hồi kinh tế.
Theo chuyên gia Wellian Wiranto của Ngân hàng OCBC (Singapore), ngành du lịch Đông Nam Á đang đứng trước hy vọng phục hồi tươi sáng nhất trong 2 năm trở lại đây nhưng cuộc chiến ở Ukraine có thể phủ bóng kỳ vọng này.
Ngân hàng Maybank cho biết trước đại dịch Covid-19, du khách châu Âu chiếm tỉ lệ lớn nhất trong nhóm du khách quốc tế đến Thái Lan (khoảng 17%). Tại Indonesia và Singapore, tỉ lệ này lần lượt là 13% và 11%.
Các nhà phân tích của Ngân hàng Maybank dự đoán nhu cầu đi lại của du khách châu Âu có thể suy giảm vì kinh tế lao đao và sức ép lạm phát gia tăng. Riêng với du lịch Thái Lan, xung đột Nga - Ukraine là một rủi ro trực tiếp bởi du khách Nga đóng góp 5,4% doanh thu cho ngành công nghiệp không khói tại nước này, chỉ sau du khách Trung Quốc (28%) và du khách Malaysia (5,6%).
Theo Ngân hàng Maybank, nhiều du khách Nga đang hủy kế hoạch đến Thái Lan vì đồng rúp lao dốc, việc đi lại và chuyển tiền gặp khó khăn.
Sức ép từ giá năng lượng và lương thực leo thang cũng có thể tác động xấu đến quá trình phục hồi kinh tế của ASEAN.
Chuyên gia Enrico Tanuwidjaja của Ngân hàng UOB (Singapore) cho biết có nhiều nghiên cứu chứng minh mối liên hệ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Theo một nghiên cứu đối với nền kinh tế Indonesia, mỗi điểm phần trăm lạm phát gia tăng sẽ khiến tăng trưởng kinh tế giảm 0,08 điểm phần trăm.
Tập đoàn Moody’s (Mỹ) cũng nhận định áp lực lạm phát sẽ tăng nhanh hơn tại những nền kinh tế nhập khẩu số lượng lớn nhiên liệu, như Lào và Philippines.Trước một loạt thách thức nói trên, Công ty Dịch vụ tài chính Morgan Stanley Asia trong tháng này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm của Singapore từ 4,8% xuống 3,7%; Thái Lan từ 4,3% xuống 3,3% và Philippines từ 7,5% xuống 7%.
Bình luận (0)