Tổng lượng than mà Trung Quốc mua trong tháng 9-2021 tăng 17% so với tháng trước đó, lên 32,9 triệu tấn - mức cao nhất trong năm nay, theo cơ quan hải quan hôm 13-10. Chính phủ Trung Quốc tăng cường mua than nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định trước nhu cầu gia tăng vào mùa đông sắp tới.
Cuộc khủng hoảng năng lượng do thiếu điện và giá nhiên liệu cao kỷ lục đã khiến chính phủ Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy sản xuất than và kiểm soát nhu cầu sử dụng điện. Một số tỉnh đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện.
Hãng thông tấn TASS hôm 1-10 dẫn lời ông Vladimir Oschepkov, Tổng Lãnh sự Nga tại TP Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang, gần biên giới với Nga, cho biết lượng than xuất khẩu từ Nga đến Hắc Long Giang đã giảm 40% kể từ đầu năm do các biện pháp phòng dịch. Khi hoạt động nhập khẩu dần được nối lại, hơn 5.000 tấn than mỗi ngày được chuyển đến cảng Trung Quốc trong tuần từ ngày 1 đến ngày 7-10.
Hơn 50.000 tấn than cũng đã được chuyển đến tỉnh Chiết Giang cuối tuần qua.
Nhà máy nhiệt điện than ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh - Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Ông Artyom Lukin, phó giáo sư tại Trường ĐH Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc và châu Âu cho thấy quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh sẽ khó khăn và kéo dài hơn nhiều so với dự kiến.
Ông Lukin nhìn nhận: "Trong tương lai gần, không có lựa chọn thay thế thực tế nào đối với than và khí đốt tự nhiên cho nhà máy điện và sưởi ấm. Điều này chắc chắn tốt cho Nga, nước xuất khẩu hợp chất hydrocacbon lớn nhất thế giới".
Theo tờ South China Morning Post, các doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng tại Trung Quốc. Đại diện Phòng Thương mại Liên minh châu Âu cho biết trong một cuộc họp trực tuyến hôm 13-10 rằng các công ty đôi khi chỉ nhận được thông báo trước một giờ để sắp xếp lại ca làm việc tại các nhà máy có 1.000 nhân viên.
Ông Joerg Wuttke, người đứng đầu Phòng Thương mại Liên minh châu Âu, cho biết: "Chúng tôi cần chính phủ Trung Quốc thông tin tốt hơn để giúp các công ty của chúng tôi ứng phó tình trạng thiếu điện. Chúng tôi không yêu cầu đặc quyền, chỉ yêu cầu sự rõ ràng".
Phòng Thương mại Liên minh châu Âu đã thúc giục các nhà chức trách xem xét lại cách quyết định công ty nào phải cắt giảm hoặc ngừng sản xuất, đồng thời kêu gọi Trung Quốc có cách tiếp cận khoa học, minh bạch và thông tin tốt hơn về các quyết định.
Bình luận (0)