"Nếu Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ mong muốn, chúng tôi sẵn sàng bàn giao chiến đấu cơ Su-35" – Chủ tịch Tập đoàn Rostec Sergei Chemezov nói với đài Sputnik.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Washington thông báo loại Ankara khỏi chương trình tiêm kích F-35 và cấm bán 100 máy bay tàng hình này cho đồng minh NATO.
Giới chuyên gia bình luận quyết định của Tổng thống Donald Trump có thể buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải tìm nguồn cung cấp chiến đấu cơ thay thế mà đối tác tiềm tàng bao gồm Nga và Trung Quốc.
Quyết định cấm Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình tiêm kích F-35 dường như cũng khiến Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bất ngờ.
Chiến đấu cơ Su-35. Ảnh: TheDispatch.In
GS Huseyin Bagci đến từ Trường ĐH Kỹ thuật Trung Đông ở thủ đô Ankara cho biết: "Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản hồi tháng trước, hai nhà lãnh đạo đã ngồi xuống cùng nhau và ông Trump nói rằng thật dễ dàng để giao dịch với những người này. Điều đó tạo ra hy vọng ông Trump sẽ ngăn cản lệnh cấm đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sau đó lại gây áp lực mạnh hơn".
GS Bagci nhận định thêm: "Có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trông chờ vào chiến đấu cơ do Trung Quốc hoặc Nga sản xuất, xa lánh phương Tây và ngả về phương Đông. Tất nhiên sẽ có sự tái cấu trúc đối với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ không có F-35".
Trong một tuyên bố hôm 17-7, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ mô tả quyết định loại nước này khỏi chương trình tiêm kích F-35 của Mỹ là một sai lầm cũng như xoa dịu những lo ngại của Lầu Năm Góc. Tuyên bố lưu ý quyết định của Mỹ sẽ gây ra tác hại không thể khắc phục đối với mối quan hệ giữa Washington và Ankara.
Washington thông báo loại Ankara khỏi chương trình tiêm kích F-35 và cấm bán 100 máy bay tàng hình này cho đồng minh NATO. Ảnh: AP
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những khách hàng quốc tế lớn của Mỹ với đơn đặt hàng 100 chiếc tiêm kích tàng hình đắt tiền được mệnh danh "Tia chớp". Chúng là một phần quan trọng trong kế hoạch thay thế phi đội F-16 dài hạn của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Phó Đô đốc Mathias Winter, người đứng đầu văn phòng F-35 của Lầu Năm Góc, từng phát biểu trong một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ rằng các khách hàng quân sự nước ngoài tiềm tàng trong tương lai bao gồm Singapore, Hy Lạp, Romania, Tây Ban Nha và Ba Lan, không có Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar hồi tháng 4 tiết lộ Ankara đã chuẩn bị cho việc bị Washington cấm bán F-35. "Chúng tôi có kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn" – ông Akar nói.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là đã thực hiện một số bước ban đầu để chế tạo chiến đấu cơ riêng nhưng bị đánh giá là không khả thi bởi giới hạn về chi phí và trình độ chuyên môn.
Bình luận (0)