Đài Aljazeera cho biết dự luật trên được soạn thảo từ hồi tháng 5.
Dự luật vừa được quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua với 240 phiếu thuận, phần lớn nhờ sự ủng hộ của đảng cầm quyền AKP và phe đối lập MHP.
Quyết định hôm 7-6 của Ankara đến vào giữa thời điểm Doha phải đối mặt với sự cô lập về ngoại giao và thương mại từ một số quốc gia Vùng Vịnh.
Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh chính của Qatar và đang duy trì một căn cứ quân sự ở nước này dựa trên thỏa thuận ký kết năm 2014. Qatar cũng là nơi đặt căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông.
Năm 2016, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tới thăm căn cứ nơi 150 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đồn trú. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters cuối năm 2015, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar Ahmet Demirok cho biết khoảng 3.000 binh sĩ sẽ được triển khai đến căn cứ để tham gia các cuộc tập trận chung giữa hai nước.
Thổ Nhĩ Kỳ sắp điều binh sĩ tới Qatar. Ảnh: REUTERS
Hôm 5-6, Ả Rập Saudi, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời đóng cửa không phận với cáo buộc Doha tài trợ cho các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên án động thái này, cho rằng việc cô lập và trừng phạt Qatar không giải quyết được vấn đề. Ông Erdogan cũng cam kết Ankara sẽ làm mọi cách để chấm dứt khủng hoảng.
Một nhà ngoại giao của Qatar nhận định đây là "một cuộc phong tỏa, một tuyên bố chiến tranh, một cuộc xâm lược về chính trị, kinh tế và xã hội".
Trong ngày 5-6, Bộ Quốc phòng Qatar gửi thông điệp tới các nước vừa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha, tuyên bố sẽ bắn bất kỳ tàu chiến nào xâm nhập vùng biển của họ, đài CNN dẫn lời một quan chức Washington cho hay.
Quan chức này khẳng định tình hình ở Qatar không ảnh hưởng đến hoạt động quân sự và an ninh của Mỹ tại đây.
Chính phủ Qatar cũng vừa chuyển 16 xe tăng Leopard ra khỏi kho chứa ở thủ đô Doha, đồng thời đặt quân đội trong tình trạng báo động cao nhất do lo ngại bị Ả Rập Saudi và các nước khác tấn công bất ngờ.
Trong một nỗ lực giải quyết vấn đề của Qatar, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani trong cuộc điện đàm gần đây rằng Doha phải tăng cường hành động chống khủng bố.
Ông Donald Trump cũng để ngỏ khả năng tổ chức một cuộc họp giữa các bên tại Nhà Trắng nếu cần thiết.
Sau đó, trong cuộc nói chuyện với hoàng thái tử của Abu Dhabi Mohammed bin Zayed al-Nahayan, nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi các quốc gia Ả Rập ở Vùng Vịnh cần thống nhất nhưng phải kiên quyết chống lại hành vi tài trợ cho các nhóm cực đoan và chống khủng bố.
Đại sứ Qatar tại Washington Meshal Hamad al-Thani đã viết trên Twitter rằng điểm mấu chốt trong chính sách đối ngoại của Doha là hòa giải, tức nhờ các nước can thiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir cho biết các quốc gia Vùng Vịnh có thể giải quyết tranh chấp với nhau mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài.
"Chúng tôi không cần hòa giải. Chúng tôi tin rằng vấn đề này có thể được giải quyết giữa các quốc gia Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC)" - ông Al-Jubeir phát biểu trong chuyến thăm Berlin.
Bình luận (0)