Ngoài ra, Ankara còn muốn châu Âu miễn thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6 này, thay vì cuối năm.
Những đòi hỏi trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ nhận lại hàng ngàn di dân và ngăn những người khác khởi hành đến châu Âu.
Trước thềm cuộc gặp, EU chỉ mới cam kết hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỉ euro, và đẩy nhanh thương thảo về vấn đề Ankara gia nhập EU.
Kết quả là hội nghị thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ đã khép lại mà không có quyết định nào được đưa ra liên quan đến giải pháp đối phó cuộc khủng hoảng di dân.
Hai bên cho biết nhất trí về những nguyên tắc chung của kế hoạch nhưng cần thêm thời gian để bàn về chi tiết thỏa thuận.
Các cuộc hội đàm dự kiến sẽ tiếp tục trước thềm hội nghị cấp cao EU dự kiến diễn ra vào 2 ngày 17 và 18-3 tới.
Hội nghị thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ đã khép lại mà không có quyết định nào được đưa ra liên quan đến giải pháp đối phó cuộc khủng hoảng di dân. Ảnh: AP
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nơi trú chân của khoảng 2,7 triệu người tị nạn, phần lớn từ Syria, và là một đối tác quan trọng của EU trong nỗ lực ngăn người di cư không lên những con thuyền tạm bợ để băng qua biển đến Hy Lạp - một tuyến đường ngắn nhưng thường nguy hiểm.
“Ðể tránh không xảy ra việc người tị nạn kéo tới Hy Lạp, chúng ta phải hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ” - Tổng Thống Pháp Francois Hollande phát biểu khi đến tham dự cuộc họp thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ tại Brussels – Bỉ ngày 7-3. “Hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận bất cứ điều gì. Báo chí phải được tự do ở khắp mọi nơi, kể cả ở Thổ Nhĩ Kỳ” - ông Hollande khẳng định.
Tuyên bố trên của ông Hollande nhằm nhắc đến việc cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bố ráp tòa soạn báo Zaman đối lập sau khi phán quyết của tòa án đặt báo này dưới sự kiểm soát của nhà nước. Trong khi đó, Thủ tướng Ahmet Davutoglu nói với các phóng viên rằng Thổ Nhĩ Kỳ “sẵn sàng làm việc với EU và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẵn sàng để trở thành một thành viên của EU”.
Macedonia, quốc gia nằm sát Hy Lạp ở phía Bắc, đã khóa chặt cửa vào vùng Balkan, chỉ để cho một số rất nhỏ đi ngang qua. Ðây là điều được sự hậu thuẫn của Áo, Croatia, Slovenia và Hungary nhưng tạo thêm áp lực lên Hy Lạp vì không còn chỗ để tiếp nhận thêm người mới tới.
Hàng trăm ngàn người dùng con đường này để đến những địa điểm ưa thích hơn, như Ðức hoặc các quốc gia vùng Scandinavia.
Trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh này, khoảng 13.000 đến 14.000 người chờ đợi tại biên giới Hy Lạp để được vào Macedonia.
Bình luận (0)