Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 30-11 tuyên bố nước ông sẽ hành động một cách sáng suốt, không để cho cảm xúc lấn lướt sau khi Nga áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế liên quan đến vụ máy bay ném bom Su-24 bị bắn hạ.
Át chủ bài của Ankara
Tổng thống Erdogan khẳng định ông sẽ từ chức nếu Moscow có thể chứng minh cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga để bảo vệ đường dây mua bán dầu mỏ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo ông, nếu cáo buộc đó không đúng thì Tổng thống Nga Vladimir Putin nên từ chức.
Thêm vào đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hôm 1-12 kêu gọi Nga tái lập các kênh đối thoại thay vì đưa ra những cáo buộc vô căn cứ về thương vụ dầu mỏ giữa Ankara và IS. Một ngày trước, ông Davutoglu nhấn mạnh cả ông và Tổng thống Erdogan sẽ không xin lỗi Nga.
Cuộc khẩu chiến kéo dài khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 1-12 kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gác lại những tranh cãi và tập trung vào mối đe dọa từ IS.
Trên bề nổi, Nga có vẻ chiếm thế thượng phong song thực tế chưa chắc như vậy. Trang web Israel National News chỉ ra lá bài tẩy của Ankara chính là Bosphorus, một trong những eo biển khó vượt qua nhất thế giới từ cả 2 phía.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể viện dẫn Công ước Montreux và đóng cửa Bosphorus (cũng như eo biển Dardenelles), không cho phép bất cứ tàu chiến nào của Nga đi qua, từ đó làm tê liệt chi viện của Nga tới Syria và phá hỏng kế hoạch quân sự của Moscow. Trước mắt, Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc các tàu Nga đợi nhiều giờ mới cho phép đi qua eo biển Bosphorus, khiến hàng chục tàu đã bị mắc kẹt tại đây hôm 29-11.
Đoàn xe tải chở hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ xếp hàng dài tại biên giới Nga - Ukraine hôm 30-11
Ảnh: DEPO.UA
Về mặt kinh tế, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đặt nhiệm vụ phải làm cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cảm nhận được tối đa tác dụng lệnh trừng phạt nhưng phía Nga chỉ bị thiệt hại tối thiểu.
Thế nhưng, các chuyên gia thuộc Tổ chức Nghiên cứu Capital Economics (Anh) cho rằng mục đích này không thể đạt được bởi mức thiệt hại tối đa của Thổ Nhĩ Kỳ (vì lệnh trừng phạt của Nga) trong năm 2016 sẽ chỉ khoảng 4-4,5 tỉ USD, không quá 0,5% GDP nước này.
Ngoài ra, theo báo RBC, Thổ Nhĩ Kỳ có thể được đền bù bằng hỗ trợ về tài chính của Liên minh châu Âu (EU) để đổi lấy việc tham gia giải quyết vấn nạn di cư.
Moscow chừa đường lui?
Trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ khiến Nga thiệt hại, nhất là khi Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov hôm 30-11 cho biết dự thảo ngân sách năm 2016 của Nga quy định mức thâm hụt 2.360 tỉ rúp. Con số này có thể tăng thêm khoảng 1.500 tỉ rúp nếu giá dầu thế giới 3 năm tới không tăng lên.
Các mặt hàng nông sản Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu sang Nga năm 2014 trị giá 1,2 tỉ USD, chỉ chiếm 0,15% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngược lại, cấm nhập khẩu thực phẩm Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra những khó khăn nhất định với Nga vì giá cả những mặt hàng thay thế nhập từ các nước khác sẽ cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh lệnh cấm nhập nông sản từ EU, Mỹ, Canada, Úc… vẫn có hiệu lực. Báo MK đưa tin giá cả trái cây ở bán đảo Crimea đã tăng gấp đôi ngay sau khi Nga công bố lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.
Các biện pháp hạn chế công dân Thổ Nhĩ Kỳ đến Nga làm việc cũng không có tác dụng. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, số tiền gần 90.000 nhân công Thổ Nhĩ Kỳ làm việc ở Nga chuyển về nước chỉ là 167 triệu USD, chiếm 0,1% GDP nước này.
Ngay cả du lịch, lĩnh vực hứng chịu trừng phạt mạnh nhất, thì Ngân hàng Morgan Stanley đánh giá người Nga chỉ chiếm 12% lượng du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ. Còn theo Capital Economics, nếu trong năm 2016 không có du khách Nga nào đến Thổ Nhĩ Kỳ, kinh tế nước này sẽ chỉ thiệt hại 3 tỉ USD, chiếm gần 0,4 % GDP.
Theo báo Haaretz, các chuyên gia kinh tế Israel nhận định lệnh trừng phạt của Nga thực sự không tác động quá lớn đến quan hệ thương mại 2 nước. Đơn cử, việc Điện Kremlin yêu cầu các công ty du lịch Nga ngừng bán tour sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng… như không bởi mùa du lịch cao điểm ở Thổ Nhĩ Kỳ là từ tháng 4 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11.
Đặc biệt, Nga không hề động chạm đến các lợi ích chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể là không đe dọa giảm lượng khí đốt bán cho Ankara (chiếm 50% nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ mỗi năm) và cũng không hề cản trở dòng hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ đi tới các nước Liên Xô cũ.
Nga gia tăng phòng không ở Syria
Theo kênh RT, phát ngôn viên không lực Nga Igor Klimov cho biết các máy bay ném bom Su-34 của Nga - được trang bị thêm tên lửa không đối không tầm ngắn và trung nhằm mục đích tự vệ - đã thực hiện cuộc xuất kích đầu tiên ở Syria hôm 30-11. Theo ông, các tên lửa này có khả năng bắn trúng mục tiêu trên không trong bán kính 60 km. Trước đó, 1 ngày sau khi máy bay Su-24 bị bắn hạ, Nga đã đưa đến Syria hệ thống phòng không S-400.
Ngoài ra, báo Al-Rai (Kuwait) ngày 1-12 đưa tin Nga đang chuẩn bị triển khai căn cứ quân sự thứ hai ở Syria tại sân bay Shayrat, cách TP Homs 35 km về phía Đông Nam. Số lượng máy bay Nga tại Syria có thể tăng lên 100 chiếc.
Bình luận (0)