Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 30-3 đã thông qua đơn gia nhập NATO của Phần Lan - mở đường cho Helsinki trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu, theo báo Anh Guardian.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên cuối cùng trong số 30 thành viên hiện tại của NATO phê chuẩn đơn của Phần Lan sau động thái tương tự từ quốc hội Hungary hồi đầu tuần này.
Trước khi quốc hội thông qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào đầu tháng 3 cho biết Helsinki nhận được sự ủng hộ của Ankara vì "giữ lời hứa trấn áp các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố và không hạn chế xuất khẩu quốc phòng".
Đơn của Phần Lan hiện chỉ cần Tổng thống Erdogan phê chuẩn. Tiếp đến, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary cần gửi các tài liệu phê chuẩn tới chính phủ Mỹ - nơi lưu trữ các tài liệu của NATO. Sau cùng, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ chính thức mời Phần Lan gia nhập liên minh.
"Tư cách thành viên của Phần Lan sẽ là sự mở rộng đầu tiên kể từ khi Bắc Macedonia gia nhập khối NATO vào năm 2020" - tờ báo Anh cho biết.
Quang cảnh Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO. Ảnh: AP
Phần Lan và Thụy Điển cùng có đơn gia nhập NATO vào năm ngoái trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, quá trình này đã bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary cản trở. Theo quy định, một quốc gia chỉ có thể được kết nạp vào NATO nếu họ được quốc hội tất cả các thành viên của khối phê chuẩn.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa phê duyệt đơn gia nhập NATO của Thụy Điển vì cho rằng Stockholm đã không tích cực trong việc trấn áp nhóm khủng bố.
Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mà Hungary ngày 29-3 cũng cho biết đang tạm dừng việc phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Thụy Điển vì "bất bình" trước những chỉ trích trước đây của Stockholm đối với các chính sách của Thủ tướng Viktor Orban.
Mỹ và các thành viên NATO khác vẫn hy vọng rằng hai quốc gia Bắc Âu sẽ trở thành thành viên của liên minh tại hội nghị thượng đỉnh của NATO được tổ chức vào ngày 11-7 tới tại thủ đô Vilnius của Lithuania.
Nga quyết làm rõ thủ phạm phá hoại đường ống Nord Stream
Nga lên tiếng yêu cầu các quốc gia đang điều tra vụ phá hoại đường ống Nord Stream cung cấp thông tin về cuộc điều tra cho họ.
"Để tránh lặp lại các hành động tương tự trong tương lai, chỉ có thể bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng toàn cầu bằng cách xác định sự thật, trừng phạt những kẻ đứng sau vụ tấn công khủng bố vào đường ống Nord Stream" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói.
Phát biểu của bà Zakharova diễn ra trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mới đây đã bác yêu cầu của Nga về điều tra vụ Nord Stream.
Hình ảnh cho thấy bọt khí rò rỉ từ đường ống Nord Stream nghi do bị phá họai. Ảnh: AP
Dự thảo nghị quyết đề xuất giao cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thành lập một ủy ban quốc tế độc lập "để tiến hành một cuộc điều tra quốc tế toàn diện, minh bạch và khách quan về mọi khía cạnh vụ phá hoại đường ống Nord Stream 1 và 2 - bao gồm việc xác định danh tính thủ phạm, người đứng sau, kẻ chủ mưu và đồng phạm".
Đường ống Nord Stream nối liền Nga với Đức. Các sự cố hồi tháng 9 năm ngoái đã khiến khí đốt từ đường ống này tràn ra biển Baltic.
Bình luận (0)