Cụ thể, ông Erdogan hôm 23-10 cho biết đã ra lệnh Bộ Ngoại giao đưa đại sứ 10 nước Mỹ, Đức, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển vào danh sách "những người không được chào đón" tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây được xem là bước đi đầu tiên trước khi hành động trục xuất diễn ra dù nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không đưa ra thời gian biểu cụ thể. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết quyết định về vụ việc có thể được đưa ra tại cuộc họp nội các Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 25-10.
Điều đáng nói là, theo hãng tin Reuters, 7 trong số các đại sứ trên là đại diện các quốc gia đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hành động của ông Erdogan được cho là nhằm đáp trả một tuyên bố chung bất thường được 10 đại sứ nói trên đưa ra hôm 18-10.
Tuyên bố này gọi hành động giam giữ nhà hoạt động Osman Kavala đã "phủ bóng đen" lên Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kêu gọi Ankara giải quyết vụ việc nhanh chóng và công bằng. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập 10 đại sứ liên quan để phản đối tuyên bố chung "vô trách nhiệm" của họ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và ông David Satterfield, Đại sứ Mỹ tại Ankara Ảnh: tr.usembassy.gov
Một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Đức cho biết 10 quốc gia đang tham vấn với nhau theo sau tuyên bố của ông Erdogan. Phó Chủ tịch Quốc hội Đức Claudia Roth nói với hãng tin DPA rằng cộng đồng quốc tế phải áp đặt trừng phạt và ngừng xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, nghị sĩ kiêm chuyên gia chính sách đối ngoại Đức Alexander Graf Lambsdorff viết trên trang Twitter rằng việc Ankara trục xuất 10 đại sứ phương Tây, nếu có, sẽ là hành động thiếu khôn ngoan và làm suy yếu sự gắn kết của NATO.
Với lập luận đại sứ Na Uy đã không làm bất cứ điều gì đáng bị trục xuất, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Bộ Ngoại giao Na Uy Trude Maaseide cho biết nước này sẽ tiếp tục kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ các tiêu chuẩn dân chủ và pháp quyền như đã cam kết theo Công ước châu Âu về nhân quyền.
Riêng Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Kofod cho hay Copenhagen chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ Ankara nhưng vẫn đang thảo luận với các đối tác và đồng minh về vấn đề này.
Ông Kavala đã bị giam từ cuối năm 2017 với cáo buộc tài trợ cho các cuộc biểu tình trên toàn quốc năm 2013 và dính líu đến một cuộc đảo chính bất thành năm 2016. Tuy nhiên, ông Kavala đã phủ nhận các cáo buộc này.
Ủy hội châu Âu (CoE), cơ quan giám sát nhân quyền hàng đầu châu lục này, đã thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu hồi năm 2019 về việc trả tự do cho ông Kavala trong lúc chờ xét xử.
Nếu Ankara không làm thế trước cuộc họp tiếp theo của CoE từ ngày 30-11 đến 2-12, cơ quan có trụ sở ở TP Strasbourg - Pháp này có thể bỏ phiếu để khởi động quy trình kỷ luật đầu tiên nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình luận (0)