Các yêu cầu đó được Bloomberg dẫn nguồn tin từ "3 quan chức Thổ Nhĩ Kỳ" tiết lộ hôm 17-5. Theo đó, Ankara muốn NATO và 2 thành viên tương lai là Phần Lan và Thụy Điển phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ.
"Thổ Nhĩ Kỳ bị NATO trừng phạt do mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Vì điều này mà Phần Lan và Thụy Điển cũng đã áp đặt các hạn chế thương mại đối với Thổ Nhĩ Kỳ" - đài RT của Nga giải thích.
Phần Lan và Thụy Điển hôm 15-5 đã chính thức tuyên bố ý định gia nhập NATO.
Để mong muốn của Phần Lan và Thụy Điển trở thành hiện thực, họ phải được sự chấp thuận của tất cả 30 nước thành viên NATO hiện tại.
Chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ không đồng ý với Helsinki và Stockholm vì hai nước này "không có lập trường rõ ràng dứt khoát" chống lại Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Cách mạng (DHKP/C) - các nhóm mà Ankara coi là tổ chức khủng bố.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AA
Thụy Điển và Phần Lan vốn có lịch sử cấp phép tị nạn chính trị cho người dân từ Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là người Kurd - điều mà Ankara cho là không thể chấp nhận được.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan phải "công khai lên án không chỉ PKK mà cả các chi nhánh của tổ chức này trước khi được phép gia nhập khối".
Tuy nhiên, theo các nguồn tin của Bloomberg cho biết danh sách điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ còn dài hơn.
"Thổ Nhĩ Kỳ muốn được đưa trở lại chương trình máy bay tiên tiến F-35, chương trình đã bị cấm sau khi họ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga. Họ cũng yêu cầu mua của Mỹ hàng chục máy bay chiến đấu F-16 và nâng cấp phi đội bay hiện có của mình" - Bloomberg dẫn nguồn tin nhấn mạnh.
Ngoài ra, Ankara cũng muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt đối với nước này vì hợp đồng mua tên lửa S-400 của Nga.
Các nguồn tin cũng đã bác bỏ những thông tin cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO dưới bất kỳ hình thức nào do "liên quan đến mối quan hệ giữa Ankara với Moscow".
Những yêu cầu của Ankara được tiết lộ trong bối cảnh hôm 16-5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng "Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh giá trị và mọi lo ngại về an ninh đều cần được giải quyết".
Nga trước đó đã cảnh báo Helsinki và Stockholm không nên gia nhập NATO và tuyên bố sẽ có phản ứng thích hợp nếu có các mối đe dọa.
Bình luận (0)