Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức) hôm 14-7 đã đạt được thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân, chấm dứt hơn một thập kỷ đàm phán căng thẳng.
Mở ra chân trời mới
Theo hãng tin AP, thỏa thuận sẽ ngăn Iran sản xuất đủ vật liệu hạt nhân để chế tạo vũ khí hạt nhân trong ít nhất 10 năm. Đổi lại, các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhằm vào Tehran được dỡ bỏ, đồng thời các quan sát viên Liên Hiệp Quốc có quyền kiểm tra tất cả địa điểm bị nghi ngờ liên quan đến hạt nhân của Iran, kể cả các cơ sở quân sự.
Các bộ trưởng và quan chức họp bàn thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna - Áo ngày 14-7.
Ảnh: REUTERS
Thỏa thuận này được xem là bước ngoặt lịch sử trong mối quan hệ giữa Iran và phương Tây, vốn thường xuyên căng thẳng bởi phương Tây nghi ngờ Iran sử dụng chương trình hạt nhân dân sự để làm vỏ bọc phát triển vũ khí hạt nhân.
Một trong những vướng mắc lớn nhất tại các cuộc đàm phán tuần qua là việc Iran yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí và các chương trình tên lửa đạn đạo bị áp đặt từ năm 2006 ngay sau khi thỏa thuận được ký kết. Một rào cản khác là kế hoạch khôi phục các biện pháp trừng phạt Iran nếu vi phạm thỏa thuận.
Hãng tin Reuters dẫn nội dung thỏa thuận cho biết một số lệnh trừng phạt có thể tái áp đặt trong 65 ngày nếu Iran bội ước. Lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc vẫn duy trì trong 5 năm tới, còn lệnh cấm mua công nghệ tên lửa tiếp tục có hiệu lực trong 8 năm.
Khi được hỏi liệu Iran có thể gây bất ổn cho khu vực bằng số tiền có được từ việc dỡ bỏ cấm vận hay không, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói: “Đó là một phép thử và chúng tôi sẽ rất thận trọng”. Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhận định thỏa thuận hạt nhân sẽ “mở ra chân trời mới” cho nước này, còn Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nó sẽ giúp kìm hãm chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng thỏa thuận nêu trên giúp thế giới trở nên an toàn và an ninh hơn. Nhà lãnh đạo này khẳng định thỏa thuận được xây dựng dựa trên sự kiểm chứng, lòng tin và dọa sẽ phủ quyết bất kỳ dự luật nào của quốc hội Mỹ nhằm ngăn chặn nó.
Ảnh hưởng rộng khắp
Ở chiều ngược lại, Israel, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ nhưng luôn xem Iran là “kẻ thù không đội trời chung”, nhanh chóng lên tiếng phản đối. Thủ tướng Benjamin Netanyahu gọi việc đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran là “sai lầm lịch sử của thế giới”. Tương tự, Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely mô tả đây là “sự đầu hàng lịch sử” của phương Tây và tuyên bố nước ông sẽ dùng mọi biện pháp để cố ngăn thỏa thuận được phê chuẩn.
Việc thực thi đầy đủ thỏa thuận sẽ phải mất nhiều tháng và tùy thuộc vào tốc độ Iran đáp ứng các yêu cầu mà các cường quốc đưa ra. Trong thời hạn 60 ngày để chấp nhận hoặc từ chối thỏa thuận, Iran phải chứng minh họ không hoặc không có khả năng chế tạo bom nguyên tử. Dần dần, việc nới lỏng trừng phạt sẽ cho phép quốc gia Hồi giáo nhiều dầu lửa này đẩy mạnh xuất khẩu dầu, tiếp cận các nguồn vốn quốc tế và mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Kinh tế Iran có thể hồi phục nhanh chóng sau khi những hạn chế về hoạt động xuất khẩu dầu mỏ được dỡ bỏ. Viễn cảnh nguồn cung dầu từ Iran quay trở lại thị trường đã khiến giá dầu thế giới sụt giảm hôm 14-7. Trang tin Bloomberg cho rằng Iran là nền kinh tế có quy mô lớn hơn Thái Lan và trữ lượng dầu lửa ngang Canada.
Theo dự báo của quỹ đầu tư Renaissance, việc nới lỏng trừng phạt còn giúp mở ra cánh cửa thị trường chứng khoán Iran cho các nhà đầu tư vào đầu năm 2016. Dòng vốn đổ vào thị trường Iran ngay trong năm đầu tiên có thể lên tới 1 tỉ USD.
Thỏa thuận hạt nhân Iran chắc chắn sẽ nhận được sự chào đón của các công ty ở Trung Quốc, châu Âu và Nga vốn đang nóng lòng muốn tiếp cận một thị trường sơ khai với 77 triệu dân. Hãng tin Sana của Iran dẫn thông tin từ một quan chức dầu mỏ cấp cao cho biết một số nhà máy lọc dầu nước ngoài ngỏ ý sẵn sàng thu mua dầu thô từ nước này.
Bình luận (0)