Những sự kiện gần đây cho thấy thỏa thuận ký hồi tháng 3-2016 mong manh đến dường nào.
Ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, tuyên bố thỏa thuận sẽ vô hiệu nếu Thổ Nhĩ Kỳ không hủy bỏ luật chống khủng bố - một trong những điều kiện Ankara phải đáp ứng để đổi lấy quy chế miễn thị thực tại khu vực Schengen.
Tự do đi lại là một trong những lợi ích quan trọng mà EU đưa ra để đổi lấy sự giúp đỡ của Ankara (nhận lại người di cư đã đến Hy Lạp và siết chặt an ninh biên giới).
Ngay lập tức, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bác bỏ sức ép trên. Tạp chí Spiegel (Đức) nhận định thông điệp của ông Erdogan rất rõ ràng: Chúng ta đã ký thỏa thuận nhưng chính tôi mới là người thiết lập quy tắc của cuộc chơi.
Trong trường hợp không ai nhường ai, thỏa thuận sẽ “chết” - một kết cục được dự báo trước bởi xuất phát điểm của nó vốn tồn tại nhiều vấn đề.
Thỏa thuận được dựa trên tiền đề Thổ Nhĩ Kỳ là nơi an toàn và việc đưa người di cư trở lại đây không vi phạm luật pháp châu Âu hoặc quốc tế.
Tuy nhiên, theo một số nhà làm luật EU và tổ chức nhân quyền, những lần trục xuất người di cư đầu tiên đã phơi bày không ít vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ. Mới nhất, một tòa án Hy Lạp ra phán quyết rằng Thổ Nhĩ Kỳ không an toàn cho người di cư nên việc đưa họ trở lại nước này đã vi phạm Công ước 1951 về người tị nạn.
“Đây không phải là một thỏa thuận được dựa trên nền tảng tin tưởng lẫn nhau. Nó mang tính chính trị. Người di cư bị đưa về Thổ Nhĩ Kỳ trong điều kiện không được hỗ trợ pháp lý và bị tạm giữ trong điều kiện tồi tệ” - bà Elizabeth Collett, Giám đốc Viện Chính sách di cư châu Âu ở thủ đô Brussels - Bỉ, đánh giá.
Thất bại của thỏa thuận, nếu có, sẽ giáng một đòn mạnh vào “hy vọng lớn nhất”, lời của giới chức châu Âu, nhằm ngăn dòng người di cư. Nói gì thì nói, số người di cư đến cựu lục địa đã giảm kể từ khi thỏa thuận được thực thi. Tuy nhiên, với thời tiết đang ấm dần lên ở châu Âu, dòng người tị nạn sắp tới có thể còn vượt con số hơn 1 triệu người trong năm ngoái. Tính từ đầu năm đến ngày 25-5, đã có gần 200.000 người tới châu Âu.
Với việc tuyến đường qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp đang hẹp lại, người di cư đổ dồn tới Libya để vượt Địa Trung Hải đến Ý. Bi kịch là điều không thể tránh khỏi. Theo thống kê, ít nhất 1.380 người thiệt mạng hoặc mất tích trên Địa Trung Hải từ đầu năm đến nay. Chỉ tính riêng trong tuần này, gần 10.000 người di cư đã được cứu trên vùng biển này.
Dù Thổ Nhĩ Kỳ đang nắm đằng chuôi trong thỏa thuận nói trên song đài DW (Đức) chỉ ra một điểm đáng để hy vọng: Ankara cũng phải dựa nhiều vào châu Âu trong bối cảnh ngày càng bị cô lập dưới thời ông Erdogan.
Không chỉ bị Nga cắt quan hệ, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Ả Rập láng giềng lẫn Mỹ đều xuất hiện khoảng cách. Với Ankara, EU giờ đây không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất mà còn khá “dễ chịu”. Đó có thể là lý do Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định bà không hề lo lắng về số phận của thỏa thuận dù nói rằng hai bên cần thêm thời gian.
Bình luận (0)